Khởi sắc Cảng cá An Nhơn

13/09/2012 - 15:38
Sơ chế khô mực xuất khẩu của cơ sở Thuận Thành.

Đầu tháng 9-2012, chúng tôi về Thạnh Phú trong một ngày mưa tầm tã nhưng Cảng cá An Nhơn vẫn rất sôi động. Tuy chưa thể bằng Cảng cá Ba Tri, Bình Đại nhưng đã thấy thấp thoáng vóc dáng của một cảng biển đầy tiềm năng.

Khi hình thành Cảng cá An Nhơn, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí chưa thuận lợi bởi nó nằm cách cửa biển đến 5 - 6km. Theo ông Trần Việt Thiểm - Phó Tổng Giám đốc cảng, kiêm Cảng trưởng An Nhơn, cảng được đầu tư trên diện tích đất khoảng 8,8ha, trong đó trong cảng bố trí diện tích 1,3ha, ngoài cảng dọc dài theo sông Cầu Ván còn có thêm 7,5ha đất dành cho các khu dịch vụ như dịch vụ kinh doanh xăng dầu, nhà máy nước đá, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng đóng tàu, vật liệu xây dựng. Tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Hiện tất cả các hạng mục công trình trong cảng gần như được đầu tư hoàn chỉnh, khu kinh doanh vật liệu xây dựng đã thi công mặt bằng để chuẩn bị đưa vào hoạt động. Phần diện tích đất dành cho cửa hàng xăng dầu, cơ khí, đóng tàu cũng đã giao cho các chủ đầu tư chuẩn bị thi công. Hiện nay, trong cảng đã có một doanh nghiệp thuê diện tích 1.500m2 và đầu tư trên 5 tỷ đồng để chuyên sản xuất, chế biến khô xuất khẩu. Hiện cơ sở này đã cơ bản hoàn chỉnh nhiều hạng mục công trình và đang đi vào hoạt động từ đầu năm 2012. Bà Kha Anh Châu - Chủ cơ sở mua bán sơ chế thủy hải sản Thuận Thành cho biết, Công ty đã có cơ sở sản xuất chế biến cá khô tại thành phố Vũng Tàu chuyên sản xuất chế biến khô xuất khẩu từ nhiều năm nay. Khi đầu tư vào cảng, Công ty được sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Quản lý Cảng cùng chính quyền địa phương. Hiện Công ty đã đưa cơ sở vào hoạt động từ đầu năm 2012, bước đầu xuất khẩu khoảng 60 tấn thành phẩm, chủ yếu là các loại khô. Theo công suất thiết kế, cơ sở sản xuất xuất khẩu trên 720 tấn thành phẩm/năm. Để đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cơ sở trong khi nguồn từ Cảng Thạnh Phú chưa nhiều, Công ty mạnh dạn tổ chức thu mua nguyên liệu nhiều nơi trong tỉnh như Ba Tri, Bình Đại. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất hiện nay là việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn bởi các cầu trên quốc lộ 60 đã xuống cấp trầm trọng, xe vận tải lớn, xe container không thể đi qua nên chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tăng cao (do phải trung chuyển hàng qua các khâu trung gian). Theo ông Trần Việt Thiểm, trong thời gian đầu hoạt động, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Cảng còn gặp nhiều khó khăn, các cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư, còn trông chờ vào lượng tàu cặp Cảng, do cảng còn thiếu nhiều khâu hậu cần dịch vụ. Về nước ngọt, hiện tại cảng đã có giếng nước khoan nhưng chỉ phục vụ cho khâu tẩy rửa sơ chế ban đầu, còn nước ngọt phục vụ cho chế biến xuất khẩu thì chưa có. Thời gian qua, cảng cũng đã khảo sát khoan giếng nước ngầm tầng sâu nhưng chưa đầu tư được do nguồn kinh phí quá lớn (trên 1,7 tỷ đồng). Riêng đội tàu đánh bắt trong huyện khoảng 700 - 800 chiếc nhưng do không đánh bắt tập trung nên chưa về neo đậu vào cảng. Hiện Ban Quản lý cảng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư như thuê mặt bằng chỉ đóng 30% trong 2 năm đầu, 3 năm sau đóng 50%, 5 năm sau đóng 70%; phí neo đậu lên hàng thì không thu 2 năm đầu. Tuy vậy, để cảng cá thật sự đi vào hoạt động có hiệu quả, cần có sự quan tâm đầu tư để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích