Kinh nghiệm trong thực hiện Đề án sinh kế

02/10/2019 - 07:31

BDK - Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án sinh kế) cho thấy, bên cạnh một số kết quả đáng khích lệ còn bộc lộ khá nhiều hạn chế, cần được phân tích, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp trong thời gian tới.

Mô hình nuôi dê giảm nghèo đang phát triển khá mạnh tại nông thôn. Ảnh: C.Trúc

Mô hình nuôi dê giảm nghèo đang phát triển khá mạnh tại nông thôn. Ảnh: C.Trúc

Nhận diện hạn chế

Một số thành viên ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, nhất là các đoàn thể cấp xã chưa thật sự quan tâm vào cuộc thực hiện Đề án sinh kế; chưa phối hợp chặt chẽ trong thực hiện đề án. Một số địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện đề án theo chỉ tiêu hàng năm, chưa thực hiện cho tất cả các hộ đăng ký tham gia thực hiện (còn 242 hộ chưa triển khai), công tác chọn hộ tham gia Đề án sinh kế còn hạn chế, chưa đúng đối tượng. Một số nơi còn chưa sâu sát, người nghèo còn thụ động trong việc tìm giải pháp phát triển sinh kế cho gia đình.

Về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn có triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thông tin đến với người nghèo còn hạn chế, người nghèo chưa biết nhiều về mục đích, nội dung, ý nghĩa của Đề án sinh kế. Sự hợp tác của người nghèo chưa cao, người nghèo chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của chính bản thân. Việc chọn hộ và đối tượng tham dự các buổi họp mặt, đối thoại chưa đúng thành phần (hộ người cao tuổi, hộ không tham gia đề án, hộ thiếu lao động, không có nhu cầu hỗ trợ), chưa định hướng nội dung đối thoại với hộ nên ảnh hưởng đến chất lượng các buổi họp mặt, đối thoại.

Cấp xã có phân công đoàn thể phụ trách, theo dõi, tư vấn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sinh kế. Tuy nhiên, một số địa phương, các đoàn thể chưa xây dựng kế hoạch thực hiện đề án theo hội, đoàn thể mình quản lý, chưa thực hiện tốt công tác tư vấn, định hướng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện đề án; giải pháp hỗ trợ còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đa dạng sinh kế; chỉ thực hiện đối với hộ, chưa tư vấn giải pháp đối với từng thành viên trong hộ, giải pháp hỗ trợ chỉ thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi...) chưa chú trọng đến các giải pháp mang tính thoát nghèo bền vững hơn như: học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động…

Cấp xã có triển khai ghi chép các biểu mẫu thực hiện đề án, có hướng dẫn, hỗ trợ hộ tham gia đề án ghi chép nhật ký hộ gia đình về phát triển sản xuất và quản lý chi tiêu hộ gia đình. Tuy nhiên, các biểu mẫu tổng hợp chưa đầy đủ, còn thiếu nhiều thông tin hoặc ghi thông tin còn sai; một số địa phương công tác ghi chép do cán bộ bán chuyên trách giảm nghèo thực hiện thay cho các đoàn thể và hộ nghèo. Công tác tổng hợp báo cáo, các huyện, thành phố thực hiện còn chậm, trễ so với thời gian quy định và có 60 xã báo cáo chậm, 2 xã không báo cáo.

Hầu hết hộ nghèo đều có vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao do chưa có phương án sản xuất tăng thu nhập khả thi. Ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững của một bộ phận người nghèo còn hạn chế, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Bài học kinh nghiệm

Đề án sinh kế nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng số hộ thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội bằng phương pháp tiếp cận công tác giảm nghèo cụ thể, hỗ trợ người nghèo một cách toàn diện. Thực tế cho thấy, địa phương nào được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thì đề án nơi đó triển khai đạt hiệu quả cao. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự tập trung tổ chức thực hiện của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các ngành, đoàn thể các cấp giữ vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả thực hiện đề án. Trong đó, vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia chỉ đạo, giám sát, nhất là công tác tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo tham gia đề án là yếu tố quyết định sự thành công của đề án.

 Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên ban chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên trong thực hiện đề án, nhất là ban chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo cách thức làm ăn, phát triển sinh kế phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ và đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được tăng cường. Phải làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đi vào chiều sâu và thường xuyên để nhân dân, nhất là người nghèo ý thức được trách nhiệm tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Công tác vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo lập kế hoạch phát triển sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, giúp cho người nghèo phát huy được tiềm năng đất đai, nguồn lực lao động để tăng thu nhập thoát nghèo bền vững là rất quan trọng.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm của đề án, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền rộng rãi đến người dân nói chung và người nghèo nói riêng hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Đề án sinh kế. Trong công tác tuyên truyền, thực hiện đa dạng các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội phê phán tư tưởng dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện Đề án sinh kế, nhất là ban chỉ đạo cấp xã phải nắm được hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo cách thức làm ăn, phát triển sinh kế phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các hội; tiếp tục duy trì, hướng dẫn người nghèo ghi chép “Sổ nhật ký hộ gia đình”, đây là một công cụ quản lý quan trọng, là cách làm mới của Đề án sinh kế nhằm giúp cho người nghèo hình thành thói quen theo dõi, quản lý thu - chi, tính toán hiệu quả kế hoạch làm ăn và tổ chức cuộc sống tốt hơn.

Huy động các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường ở địa phương. Tiếp tục các hoạt động để hỗ trợ người nghèo về tiếp cận thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, người nghèo biết và sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN