Tỉnh xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Sản xuất NN luôn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế tỉnh. Trong đó, kinh tế vườn và kinh tế biển được xem là hai ngành kinh tế mũi nhọn tạo nên các sản phẩm NN chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm NN chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đến hết quý I-2023, toàn tỉnh có 66 tổ hợp tác (THT), 68 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực. Sản xuất NN chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi; áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP.
Cụ thể, vùng sản xuất dừa tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa (32 THT, 28 HTX trong vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô 5.648,6 ha). Vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản như: bưởi da xanh (7 THT, 13 HTX hình thành 20 liên kết với doanh nghiệp đầu ra); chôm chôm (3 HTX và 22 THT tham gia liên kết chuỗi giá trị với tổng diện tích 348,4 ha); nhãn (3 HTX với diện tích 98,5 ha); xoài (xây dựng 2 liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, với tổng diện tích liên kết 54,75 ha); sầu riêng (xây dựng vùng sản xuất với tổng diện tích liên kết 208,09 ha); cây giống - hoa kiểng (có 13 HTX cây giống - hoa kiểng, diện tích 133,5 ha); heo (duy trì hoạt động của 2 THT và 2 HTX với 134 hộ tham gia với khoảng 10.028 con); bò (duy trì hoạt động 1 THT, 03 HTX có 218 hộ tham gia với khoảng 1.600 con); tôm (phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú).
Về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện tỉnh có 57 làng nghề đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận (39 làng nghề NN, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp), trong đó, có 20 làng nghề truyền thống. Lũy kế đến nay tỉnh đã có 200 sản phẩm của 76 chủ thể được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 110 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm 4 sao.
Nhìn chung, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của NN, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại NN, xây dựng nông thôn mới theo hướng NN sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch thực hiện Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm NN chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh, tập trung hoàn thiện các chuỗi giá trị dừa, bưởi, chôm chôm, tôm biển gắn với vùng sản xuất tập trung; củng cố và phát triển chuỗi sản phẩm heo, bò, nhãn và cây giống - hoa kiểng thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giống và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, siêu thâm canh, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; phát triển các sản phẩm NN chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, chế biến và thị trường tiêu thụ…
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn; hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư; hoạt động khuyến công; chương trình xúc tiến thương mại; chuyển đổi số trong lĩnh vực NN nhằm kết nối, mở rộng thị trường. Triển khai các chương trình đào tạo cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề phải gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bài, ảnh: Phương Thảo