Khảo sát khu nuôi tôm công nghệ cao ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội cho biết, sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp mở rộng và kết nối thị trường, tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nghiên cứu và mở rộng thị trường. Tăng cường chất lượng các bản tin dự báo thị trường nông sản nhằm xác định mùa vụ hợp lý để nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng thời điểm nhu cầu của nông sản trên thị trường. Rà soát lại các cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đề nghị bãi bỏ, sửa đổi, điều chỉnh các chính sách không còn phù hợp. Xây dựng, ban hành các chính sách mới; việc xây dựng, ban hành chính sách phải phù hợp với tình hình thực tế, khả năng tiếp cận của đối tượng, phải thực sự là đòn bẩy giúp người dân phục hồi và phát triển sản xuất.
Để hạn chế sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là xâm nhập mặn, ảnh hưởng của dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi thông qua các giải pháp công trình và phi công trình, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, duy tu, sửa chữa, thực hiện tốt công tác vận hành các công trình thủy lợi hiện có. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH, tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản; lấy việc giảm chi phí, tăng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản để tăng thu nhập cho nông dân bằng những chương trình, dự án thiết thực.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; bình tuyển, bảo tồn và cải tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản trong điều kiện thích ứng với BĐKH và hạn mặn, phục vụ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng vùng sinh thái. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH có hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ hoặc tương đương nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện và phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản, hình thành các vùng sản xuất tập trung, góp phần tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm. Tăng cường hình thành các hình thức hợp tác liên kết sản xuất. Đẩy mạnh việc xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP, tạo nên sự khác biệt của sản phẩm, dần hình thành thương hiệu cho nông sản Bến Tre.
Bài, ảnh: Huyền Thu