Mô hình lúa - tôm ở huyện Thạnh Phú. Ảnh: P.V
Nông nghiệp an toàn, hữu cơ
Cách đây hơn 5 năm, hầu hết diện tích đất giồng cát trên các xã ven biển của huyện được người dân trồng các loại sắn, đậu phộng, khoai lang hay dưa hấu… Năm nào hễ được mùa thì mất giá, hễ được giá thì lại mất mùa. Trước tình hình biến đổi khí hậu, nghề làm nông ở xứ biển ngày càng khó khăn, đời sống người dân cứ mãi bấp bênh. Các loại cây trồng, vật nuôi khác trên địa bàn huyện cũng rơi vào tình trạng chung của cả nước.
Để giải quyết vấn đề bức xúc đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã định hướng nông nghiệp sạch là kinh tế chủ lực và đề ra nhiệm vụ xây dựng 6 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của huyện gồm: dừa, xoài, lúa, tôm, bò, gia cầm. Đến nay, huyện đã xây dựng thành công 6 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, trong đó có 3 chuỗi theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh là cây dừa, con bò và con tôm.
Kết quả đến cuối năm 2019, có hơn 90% diện tích đất giồng trồng màu của xã biển đã được thay thế bởi xoài tứ quý. Màu xanh của giống cây mới phủ kín khắp cả vùng đất giồng cát ven biển, mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với các loại cây màu trước đó và có tính chất ổn định hơn. Cây xoài được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được người dân sản xuất theo hướng an toàn. Bắt đầu từ năm 2020, bà Mayu Inno phối hợp với địa phương để hỗ trợ nông dân chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất xoài hữu cơ, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, cũng như mở ra cánh cửa cho trái xoài sạch của Thạnh Phú có thể vào hệ thống các siêu thị bán lẻ, với giá trị xứng tầm, giúp nâng cao đời sống người dân xứ biển.
So với chuỗi xoài, chuỗi lúa của Thạnh Phú “bứt phá về đích” sớm hơn. Ngay sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu Lúa sạch Thạnh Phú cho vùng trồng lúa - tôm của huyện vào cuối năm 2017, thì đồng thời vùng trồng lúa theo mô hình lúa - tôm này cũng được Mỹ và châu Âu chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, thông qua Công ty cổ phần nông sản Hoa Nắng đã hợp tác cùng nông dân thực hiện. So với lúa được sản xuất thông thường, giá lúa Thạnh Phú hiện nay được các doanh nghiệp (DN) sẵn sàng bao tiêu và có giá bán cao hơn thị trường gấp 2 lần. Nhờ đó, nông dân phấn khởi gắn bó với cây lúa, duy trì diện tích cây lúa trong vùng trồng lúa - tôm và phát triển hiệu quả mô hình lúa - tôm hơn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trong năm 2019, tiếp tục ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa giữa DN với nông dân trên 1.000ha ở các xã An Nhơn, An Qui, An Thuận, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Điền, Mỹ An gồm các DN như: Công ty lương thực Bến Tre, Công ty lương thực Tiền Giang, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), Công ty Thịnh Phát (Bến Tre), Công ty Hoàng gia Nhật Quang (Long An), Công ty Tấn Vương (An Giang). Ngoài ra, thông qua hội nông dân các xã, thương lái ký kết hợp đồng hỗ trợ thu mua lúa cho nông dân khoảng 3.200ha.
Nếu như các xã cánh dưới có thế mạnh về cây lúa, cây xoài thì các xã cánh trên của huyện, thuộc tiểu vùng 1 có thế mạnh về cây dừa. Các hợp tác xã (HTX) dừa Phú Nông, xã Phú Khánh và HTX DV nông nghiệp xã Thới Thạnh mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản hoạt động ổn định. Các HTX có liên kết hợp đồng đầu vào với công ty Lio Thái, Bình Điền và đầu ra với Công ty Á Châu, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới...
Nông dân Thạnh Phú thu hoạch lúa sạch.
Thích ứng biến đổi khí hậu
Với sự hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện mô hình mới của Trạm Khuyến nông, người dân am hiểu kỹ thuật nuôi tôm thẻ hoặc tôm càng xanh, hoặc nuôi xen tôm - cua - cá trong ruộng lúa. Điểm mới của năm 2019 là nông dân đã chuyển đổi mạnh diện tích mặt nước nuôi tôm sú, tôm thẻ sang tôm càng xanh hoặc nuôi xen tôm thẻ và tôm càng xanh trong ruộng lúa, mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đó. Tôm giống được các HTX nông nghiệp nhập từ Nha Trang, đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ và chất lượng tốt hơn.
Con tôm càng xanh vốn được cho là thủy sản nước ngọt, lợ đã ngày càng “lấn” sâu xuống các xã ven biển như Giao Thạnh, Thạnh Phong và thích nghi với độ mặn dưới 15%o.
Cùng với chuỗi giá trị con tôm của tỉnh, chuỗi tôm huyện Thạnh Phú có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển theo hướng an toàn, phù hợp với xu hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu của các xã huyện biển và phát triển bền vững, giúp người dân có nhiều cơ hội đa dạng sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Võ Văn Hiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay, diện tích nuôi tôm càng xanh khoảng 1.000ha (trong đó nuôi chuyên khoảng 330ha), sản lượng thu khoảng 1.700 tấn. Mô hình nuôi cua xen trong ao đầm nuôi tôm sú phát triển khá, sản lượng thu hoạch khoảng 1.500 tấn; diện tích nuôi cá 257ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn.
Riêng xã Mỹ An có diện tích chuyên tôm càng xanh đạt 330ha. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lin - Phó chủ tịch UBND xã cho biết, xã được hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền trong nông dân sản xuất mô hình tôm - lúa theo hướng sạch, an toàn. Hiện HTX được Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn thủ tục để chứng nhận tôm sạch, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý. “Niềm vui cho bà con trong xuân này là lúa trúng vụ, đạt giá cao, tôm càng nuôi ruộng lúa phát triển tốt, người dân có lãi. Đặc biệt, thành viên HTX có chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận tăng lên, đạt từ 17 - 82 triệu đồng/ha/vụ” - bà Nguyễn Thị Ngọc Lin chia sẻ.
“Xã An Nhơn có trên 1.000 hộ dân tham gia sản xuất và hưởng lợi từ việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tôm càng xanh và cua biển. Nếu năm 2018, diện tích nuôi tôm càng xanh chỉ có 15ha thì năm 2019 phát triển lên 600ha. Với diện tích 1ha, bà con thu lãi 50 - 70 triệu đồng”, ông Lê Trọng Quyền - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho hay.
Hiện nay, xã An Nhơn có 4 sản phẩm chủ lực (theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gồm lúa, tôm càng xanh, cua biển, tôm sú. Với những nỗ lực theo tinh thần “Tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá”, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 đạt 45,7 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn 2,51% và 3% hộ cận nghèo.
Ông Võ Văn Hiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, năm 2020, huyện sẽ hoàn thiện các chuỗi giá trị bò, gia cầm, tôm biển, lúa, dừa và xoài. Rà soát các mô hình kinh tế có hiệu quả, xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với đầu ra hàng hóa, thực hiện mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chuỗi giá trị các nông sản chủ lực của huyện sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Gắn với đó là phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu. Khi đó, các nông sản đạt tiêu chuẩn sạch, hữu cơ và các loại thủy sản trong thiên nhiên sẽ là những đặc sản hấp dẫn riêng có của vùng để phục vụ du khách thập phương. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc