Đề xuất tăng mức cho vay Quỹ quốc gia về việc làm

28/07/2023 - 05:24

BDK - Tỉnh xác định, chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

 Nhiều lao động nữ tiếp cận được nguồn vón vay giải quyết việc làm để phát triển kinh doanh.  Vốn cho vay giải quyết việc làm giúp “giữ chân” người lao động ở nông thôn tự tạo việc làm.

Nhiều lao động nữ tiếp cận được nguồn vón vay giải quyết việc làm để phát triển kinh doanh.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Bến Tre là 1 trong 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với Biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Diện tích tự nhiên 2.394km2, có 65km đường bờ biển, dân số khoảng 1,3 triệu người. Tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo hiện nay đạt 65,29%. Trong đó, LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35,82%. Lực lượng LĐ 794.012 người, chiếm khoảng 61% dân số của tỉnh.

Số người lao động (NLĐ) bước vào độ tuổi LĐ bình quân hàng năm khoảng trên 18 ngàn người; trong đó, khoảng 18 - 20 ngàn LĐ có nhu cầu làm việc. Xu hướng chung của thị trường LĐ trong tỉnh hiện nay là di cư từ nông thôn ra thành thị và đi tự do tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh ở các thành phố lớn và các tỉnh lân cận. Khoảng 6 - 7 ngàn LĐ xuất cư hàng năm, nhất là số sinh viên của các trường đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp ra trường đa phần tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh, tập trung chủ yếu ở các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… ít quay trở về tỉnh để tham gia làm việc.

Tỉnh xác định, chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành, UBND tỉnh ban hành Công văn số 845/UBND-KGVX ngày 18-2-2022 chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương tuyên truyền chủ trương chính sách đến các đối tượng thụ hưởng; rà roát, tổng hợp nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP kịp thời. Thông qua kết quả rà soát từ địa phương, tổng nhu cầu vốn cho 4 chương trình 646 tỷ đồng (năm 2022 là 286,5 tỷ đồng, năm 2023 là 359,5 tỷ đồng), trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 603 tỷ đồng, còn lại là các chương trình khác.

Theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Đi học nghề, về làm chủ, LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bắt đầu khởi nghiệp”, tính từ năm 2022 đến nay, kể từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cho vay 11.693 LĐ, với tổng số tiền 480 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đồng thời, thực hiện cho vay đối với NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 379 LĐ, với tổng số tiền 31,9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn từ 2 nội dung này 0,12%.

Phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thanh Hùng cho biết: Nhu cầu về nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn. Nguồn vốn không đủ để đáp ứng cho vay các đối tương thụ hưởng. Bên cạnh đó, một khó khăn khác là theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 13 Luật Việc làm thì điều kiện vay vốn đối với NLĐ là “cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án”. Tuy nhiên, trên mẫu giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (mẫu số 1) ban hành kèm theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn có dự án được thực hiện tại địa phương. Như vậy, NLĐ cư trú hợp pháp tại xã, phường, thị trấn này nhưng lại có dự án đầu tư ở xã, phường, thị trấn khác sẽ không đủ điều kiện vay vốn của chương trình.

 Nhiều lao động nữ tiếp cận được nguồn vón vay giải quyết việc làm để phát triển kinh doanh.  Vốn cho vay giải quyết việc làm giúp “giữ chân” người lao động ở nông thôn tự tạo việc làm.

Vốn cho vay giải quyết việc làm giúp “giữ chân” người lao động ở nông thôn tự tạo việc làm.

Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Nguyễn Mạnh Hoài cho rằng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là một chương trình tín dụng rất có ý nghĩa đối với NLĐ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chương trình này đã góp phần quan trọng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Thông qua đó, hỗ trợ nhiều đối tượng LĐ yếu thế như LĐ là người khuyết tật, LĐ khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi.

Nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh là 519,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm 72,5 tỷ đồng, nguồn Ngân hàng CSXH huy động 312 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác địa phương 135 tỷ đồng. Chi nhánh giải ngân rất kịp thời, không để tồn đọng vốn. Kể từ khi thực hiện chương trình, chi nhánh đã tạo việc làm cho 48.243 LĐ để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo, tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Bên cạnh tác động hiệu quả về kinh tế - xã hội của chương trình, đây cũng là chương trình cho vay có chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn thấp.

Kết quả đó khẳng định rằng, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần tích cực trong chính sách giải quyết và tạo việc làm cho địa phương, khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho NLĐ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều NLĐ. Qua đó, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, khi các xã, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo và các đối tượng chính sách sẽ giảm dần thì chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ là chương trình quan trọng, nhằm giữ chân NLĐ tại địa phương để tự phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tại địa phương mình.

Trước tình hình đó, Sở LĐTB&XH, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã có đề nghị về Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu tham mưu đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xem xét tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Có cơ chế để bổ sung nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm; tăng nguồn vốn huy động của Ngân hàng CSXH để cho vay tạo việc làm. Tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm để khắc phục tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại trong cho vay tạo việc làm; nâng mức cho vay tối đa 1 LĐ là 200 triệu đồng không phải đảm bảo tài sản...

Kết quả rà soát nhu cầu vay vốn của Sở LĐTB&XH đầu năm 2023, tỉnh có 7.800 LĐ có nhu cầu vay vốn tạo việc làm với số tiền 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 100 tỷ đồng (nguồn Ngân hàng CSXH huy động 55 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương ủy thác 45 tỷ đồng), còn thiếu khoảng 350 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN