BDK.VN - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23-11-2024, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại Tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình.
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập, cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có nhiều thay đổi; quá trình triển khai thực hiện Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn trong thực tế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần thiết phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới.
Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, trước yêu cầu của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Luật số 69/2014/QH13 và quá trình thi hành Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có phạm vi điều chỉnh là quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp vàcơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn, sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật là: Doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm: Bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách); Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Với bố cục gồm 8 chương và 62 điều, Dự thảo Luật bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua, cụ thể như sau:
Một là, nhóm chính sách về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: xác định cụ thể khái niệm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, UBND cấp tỉnh và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn khác.
Quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự chủ chốt, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm, phương án cơ cấu lại và phương án phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; lấy mục tiêu, nhiệm vụ tổng thể và hiệu quả đầu tư vốn làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; Công bố, công khai thông tin, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, nhóm chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: xác định rõ nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, hình thức và nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
Việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn vào doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Xác định cụ thể thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp với mục tiêu phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và có sự giám sát của các cơ quan quản lý các cấp.
Ba là, nhóm chính sách về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm: xác định rõ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của doanh nghiệp theo phân công, phân cấp tại Luật này; xác định cụ thể từng hình thức đầu tư của doanh nghiệp, từ đó quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tương ứng với từng hình thức đầu tư.
Xác định vai trò trung tâm và chịu trách nhiệm toàn diện của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong chỉ đạo và quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án của doanh nghiệp có vốn góp nhà nước được thực hiện thống nhất theo Luật này với vai trò chủ sở hữu vốn; sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp quyết định đầu tư và triển khai thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, chịu trách nhiệm về quyết định và hoạt động đầu tư. Quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp không được đầu tư vốn, đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục việc phê duyệt chủ trương khi chuyển nhượng dự án.
Bốn là, nhóm chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nội dung chính sách bao gồm Luật hóa các nội dung phù hợp, ổn định, cập nhật, bổ sung các nội dung để khắc phục vướng mắc trong thực tế trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước trong thời gian qua; Luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước, chuyển nhượng vốn nhà nước. Hướng dẫn rõ thẩm quyền thực hiện chuyển nhượng vốn, sắp xếp doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đồng thời, thể chế hóa cụ thể nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 đối với các doanh nghiệp đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hóa. Thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị số 82-KL/TW ngày 29-7-2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp khi giải thể các công ty nông, lâm nghiệp.
Năm là, nhóm chính sách về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. Nội dung chính sách bao gồm: Phân công rõ, phân cấp mạnh thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan chuyên trách, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quyền, nhiệm vụ sở hữu vốn.
Quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn trong việc giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa nguồn lực, bảo toàn vốn, phù hợp với thực tiễn hoạt động, dự báo thị trường và quản lý theo mục tiêu đối với doanh nghiệp.
Sáu là, nhóm chính sách về quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật theo hướng không đưa các nội dung tại Chương IV của Luật Doanh nghiệp vào các Điều, khoản tương ứng.
Theo đó, bỏ nội dung về “Quản trị doanh nghiệp”, đồng thời không quy định những nội dung tại chính sách 6 về quản trị doanh nghiệp khi đề xuất xây dựng chính sách. Riêng đối với việc quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty và doanh nghiệp khác hiện đang được quy định tại Điều 95 của Luật Doanh nghiệp, do vậy trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép được kiêm nhiệm thì giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.