BDK - Việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, tỉnh triển khai khẩn trương, có trách nhiệm để đạt được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra, hướng đến tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương các cấp, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Trụ sở xã An Hiệp (Châu Thành) vừa được xây dựng khang trang, dự kiến sẽ là trụ sở UBND xã Tường Đa mới. Ảnh:Trương Hùng
Điều chỉnh địa giới hành chính
Quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp của tỉnh từ năm 1945 đến nay diễn ra đa dạng. Việc sắp xếp ĐVHC các cấp đã thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước sâu sát đến nhân dân hơn, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh bắt đầu thời kỳ xây dựng và phát triển. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội đã trở thành công việc cấp thiết, cũng giống như việc khôi phục sản xuất, xây dựng lại đời sống xã hội. Trong đó, việc sắp xếp, thành lập, chia tách các ĐVHC các cấp là một trong những việc phải làm thường xuyên.
Xuất phát từ thực tiễn trên, trong giai đoạn từ năm 1975 - 1997, tỉnh từ 132 ĐVHC cấp xã (gồm 122 xã, 5 phường, 5 thị trấn) đã thành lập, chia tách để hình thành thêm trên 20 ĐVHC cấp xã, để đến năm 1997, tỉnh có 157 ĐVHC cấp xã (gồm 142 xã, 8 phường, 7 thị trấn).
Năm 2009, tỉnh thành lập huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Mỏ Cày Nam trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Mỏ Cày và huyện Chợ Lách theo Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 9-2-2009 của Chính phủ; thành lập TP. Bến Tre từ thị xã Bến Tre theo Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 11-8-2009 của Chính phủ. Sau điều chỉnh, tỉnh có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm TP. Bến Tre và 8 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú.
Đối với cấp xã, từ năm 1999 đến năm 2009, tỉnh đã thành lập thêm các xã, phường thuộc thị xã Bến Tre và các huyện Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú. Đến năm 2018, tỉnh có 164 ĐVHC cấp xã (gồm 147 xã, 10 phường, 7 thị trấn).
Giai đoạn 2019 - 2021 và 2023 - 2025
Năm 2020, thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh sắp xếp, sáp nhập Phường 1, Phường 2 và Phường 3 để thành lập phường An Hội; nhập xã Mỹ Thành vào xã Bình Phú thuộc TP. Bến Tre; nhập xã Giao Hòa vào xã Giao Long; thành lập xã Phước Ngãi trên cơ sở nhập xã Phước Tuy và xã Phú Ngãi; nhập xã Phong Mỹ vào xã Phong Nẫm; thành lập xã Bình Khánh trên cơ sở nhập xã Bình Khánh Tây và xã Bình Khánh Đông. Theo đó, tỉnh giảm 7 ĐVHC cấp xã.
Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 724/NQ-UBTVQH15 ngày 13-2-2023 về việc thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc. Tỉnh có 157 ĐVHC cấp xã (gồm 139 xã, 8 phường, 10 thị trấn).
Xuất phát từ yêu cầu phát triển tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh định hướng phát triển quy hoạch tỉnh theo hướng không gian phát triển của tỉnh được tổ chức hợp lý, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; tập trung phát triển nhanh một số địa bàn có điều kiện thuận lợi, làm động lực phát triển chung toàn tỉnh, hỗ trợ các địa bàn khó khăn; phát triển hợp lý giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho biết: UBND tỉnh xây dựng các đề án sắp xếp ĐVHC riêng theo từng giai đoạn, như: Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2026 - 2030, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24-10-2024. Phương hướng sắp tới, tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập huyện Châu Thành vào TP. Bến Tre và thành lập 3 thị xã nhằm đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa.
Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật là cần thiết, nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc.
UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 ngày 24-10-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 1-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận xã An toàn khu (ATK), vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thuộc tỉnh.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, lãnh đạo các ban đảng, sở ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, xã, phường có liên quan dự.
Theo Nghị quyết 1237/NQ-UBTVQH15, từ ngày 1-12-2024, thực hiện nhập Phường 4, Phường 5 vào phường An Hội (TP. Bến Tre); nhập xã Phú An Hòa, An Hóa vào xã An Phước (Châu Thành); nhập xã Sơn Hòa, An Hiệp vào xã Tường Đa (Châu Thành); nhập xã An Khánh vào thị trấn Châu Thành; nhập xã Phú Vang vào xã Lộc Thuận (Bình Đại); nhập xã Tân Mỹ vào xã Mỹ Hòa (Ba Tri). Sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã, tỉnh có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm: 8 huyện và 1 thành phố. 148 ĐVHC cấp xã, gồm: 132 xã, 6 phường và 10 thị trấn.
Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 1-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 46 xã thuộc các huyện: Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Ba Tri là xã ATK. Công nhận 5 huyện: Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc là 5 vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam yêu cầu các đơn vị có liên quan phải thực hiện tốt công tác bàn giao tài liệu, hồ sơ tại các đơn vị sáp nhập, nhất là liên quan giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Phải có trách nhiệm và tạo điều kiện cho người dân và tổ chức trong chuyển đổi giấy tờ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị bên cạnh ổn định bộ máy tổ chức sau khi sáp nhập. Đặc biệt, quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chính sách cho người dân tại các xã ATK theo quy định.