Thực hiện xét nâng ngạch công chức

11/11/2024 - 05:43

BDK - Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17-9-2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21-2-2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức. Trong đó, có nội dung mới là xét nâng ngạch công chức.

Một trong những nguyên tắc để xét nâng ngạch là chỉ thực hiện xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề với ngạch đang giữ.

Để triển khai thực hiện việc xét nâng ngạch công chức có hiệu quả và đúng quy định, ngày 24-10-2024, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 3321/SNV-CCVC về triển khai một số nội dung liên quan đến việc xét nâng ngạch công chức. Cụ thể như sau:

Đối tượng thực hiện

Thứ nhất, đối với các trường hợp xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ, xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: (1) Được tặng bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên do có thành tích trong công tác và được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch; (2) Có 3 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 1 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thứ hai, đối với các trường hợp xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: (1) Được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên và được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch. Riêng đối với các trường hợp xét nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp và tương đương, Sở Nội vụ sẽ theo dõi và có hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP của Chính phủ. (2) Được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ và có 3 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; (3) Được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên và có 3 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 1 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thứ ba, xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương khi được bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh sau: Phó giám đốc Sở và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương.

Điều kiện, tiêu chuẩn để xét nâng ngạch

Được  thực  hiện  theo  quy  định  tại  khoản  19  Điều  1 Nghị  định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17-9-2024 của Chính phủ.

Nguyên tắc xét nâng ngạch

Chỉ thực hiện xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề với ngạch đang giữ. Trường hợp đạt thành tích cao hơn so với thành tích để được xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề thì cũng chỉ được xét nâng ngạch lên ngạch cao hơn liền kề và không được sử dụng thành tích này để xét nâng ngạch lần sau.

Việc xét nâng ngạch đối với công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý phải gắn với yêu cầu của vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức phê duyệt.

Trình tự, thủ tục thực hiện

Căn cứ quy định tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP, Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ, vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức và các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của từng ngạch công chức, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố rà soát lại quá trình công tác, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu ngạch, vị trí việc làm và diễn biến tiền lương gắn với từng trường hợp để tổng hợp danh sách và có đề nghị gửi về Sở Nội vụ để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hồ sơ xét nâng ngạch

- Văn bản đề nghị (Có báo cáo cụ thể về cơ cấu ngạch hiện tại của đơn vị áp dụng đối với trường hợp xét ngạch công chức không giữ chức vụ) theo danh sách kèm theo;

- Sơ yếu lý lịch công chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi nâng ngạch, có xác nhận của cơ quan quản lý, sử dụng công chức;

- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng công chức về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét theo quy định; Bản đánh giá, xếp loại trong năm trước liền kề của năm xét;

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi;

- Quyết định tuyển dụng, Quyết định bổ nhiệm vào ngạch hiện hưởng, Quyết định lương hiện hưởng;

- Quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm kèm theo bản mô tả và khung năng lực của vị trí xét tương ứng; Quyết định phê duyệt cơ cấu ngạch;

- Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức dự xét;

- Văn bản minh chứng về tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng ngạch công chức quy định.

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN