Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng đối với các giao dịch bằng VND giảm ở các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, kỳ hạn 3 tháng và từ 9 tháng trở lên; trong đó các kỳ hạn qua đêm, 3 tuần và 9 tháng có các mức giảm lần lượt là 1,04%, 1,16% và 1,75%; các kỳ hạn còn lại có các mức giảm từ 0,41% (kỳ hạn 1 tháng) đến 0,9% (kỳ hạn 1 tuần và trên 12 tháng).
Riêng kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng lãi suất bình quân tăng lần lượt 1,75% và 0,39%.
Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất giao dịch bình quân kỳ này giảm đối với các kỳ hạn qua đêm, 3 tuần đến 3 tháng và 12 tháng, với các mức giảm phổ biến từ 0,01% (kỳ hạn 3 tuần) đến 0,18% (kỳ hạn 12 tháng), riêng kỳ hạn 2 tháng giảm 1,32%.
Kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 6 tháng lãi suất giao dịch bình quân tăng với các mức tăng lần lượt là 0,19%, 0,08% và 0,39%.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1-2%/năm; kỳ hạn dưới 1 tháng 2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8-9%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 10-12%/năm.
Lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5% - 1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế.
Các TCTD tiếp tục triển khai điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa là 15%/năm theo ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Thông báo số 198/TB-NHNN ngày 9/7/2012. Cá biệt, trong tuần, ngân hàng Xuất nhập khẩu triển khai chương trình tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng với mức lãi suất 10%/năm với điều kiện là khoản vay VND được bảo đảm theo giá trị USD và gắn với biến động tăng của tỷ giá VND/USD không quá 1%. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.
Lãi suất cho vay USD ổn định so với tuần trước phổ biến ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn; 6-8%/năm đối với trung và dài hạn.