Làng cá Bình Thắng chuẩn bị lễ hội nghinh Ông

24/07/2012 - 18:36
Đông đảo ngư dân tham gia lễ hội nghinh Ông.

Bình Thắng (Bình Đại) là xã ven biển, có nghề đánh bắt hải sản từ lâu đời và được xem là nghề truyền thống cha truyền con nối, với những nét độc đáo của ngư dân vùng này. Ngư dân Bình Thắng rất thông thạo biển khơi, am tường sóng gió, giỏi tay nghề và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong khai thác.

Chính vì vậy, những năm qua, đoàn tàu đánh bắt thủy sản của xã không ngừng phát triển từ vài chục tàu với công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, đến nay Bình Thắng đã có 573 tàu, với tổng công suất trên 135.000CV, trong đó có 527 tàu đánh bắt xa bờ. Năm 2011, mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa bão thường xuyên xảy ra, nhưng đoàn tàu đã khai thác trên 40 ngàn tấn tôm, cá các loại, đạt 110% kế hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, ngư dân Bình Thắng khai thác được 23.000 tấn, đạt 60% kế hoạch. Hàng năm, nghề khai thác thủy sản ở Bình Thắng đã đem lại một lượng thủy sản rất lớn và đem về nguồn thu trên 50 tỷ đồng cho ngư dân. Mặt khác, ngành đánh bắt còn mở ra hàng loạt các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển như: cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản, nhà máy nước đá, xăng, dầu, ngư cụ… Hàng năm, các cơ sở này đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Ngành đánh bắt không những đem về nguồn thu lớn cho ngư dân Bình Thắng mà còn giải quyết hàng trăm lao động ở địa phương và các xã lân cận. Năm 2011, thu nhập bình quân của xã hơn 21 triệu đồng/người.

Gắn liền với nghề đánh bắt hải sản ở Bình Thắng còn có tục thờ cá Voi (ngư dân còn gọi là cá Ông). Ngư dân địa phương đã xây lăng để thờ cá Ông. Ngày cúng cá Ông, tất cả gia đình nghề biển đều tham gia, việc cúng tổ chức như hình thức hội làng. Vui nhất trong lễ cúng đối với dân biển là đi rước cá Ông. Ngư dân chọn một thuyền “Cái” có trang bị dàn nhạc ngũ âm, múa lân, trống, nhạc, trang trí cờ hoa rực rỡ… Đoàn tàu ra đến cửa biển, trống, kèn nổi lên không dứt, ngư dân cầu nguyện, cúng bái “xin keo” rồi quay trở về. Chiếc ghe đi nghinh Ông về đầu tiên được coi là anh hùng của vạn lạch. Sau đó, bắt đầu lễ cúng ở lăng Ông và chủ mỗi ghe đều cúng tại ghe nhà mình.

Năm nay, lễ hội nghinh Ông ở xã Bình Thắng tổ chức trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng 6 âm lịch (nhằm ngày 1,2,3-8-2012). Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ nghinh Ông, lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, lễ cúng chánh tế và họp mặt ngư dân. Về phần hội có liên hoan múa lân, biểu diễn võ thuật, liên hoan đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian và hát tuồng. Hiện nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội Nghinh Ông đã được UBND xã Bình Thắng triển khai đến các ngành, đoàn thể và các ấp, nhằm nâng cao về qui mô và chất lượng của lễ hội nghinh Ông để từng lúc nâng lễ hội thành lễ hội văn hóa du lịch của huyện trong thời gian tới. 

Lễ hội nghinh Ông ở Bình Thắng là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân vùng biển, tiềm ẩn trong đó là một ước mơ chính đáng của ngư dân như một nghĩa tình của ngư dân đối với biển cả. Bởi họ mong muốn được “ăn nên làm ra” thuận thuyền khi ra biển và khi họ làm ăn được, không quên ơn nghĩa công đức Tổ nghiệp. Họ muốn thể hiện lòng thành đối với Tổ nghiệp. Chính vì vậy, lễ hội nghinh Ông ở Bình Thắng được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. 

Bài,ảnh: Đông Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN