|
Trưng bày sản phẩm hoa kiểng tại Ngày hội cây - trái ngon, an toàn (huyện Chợ Lách). |
Trong khuôn khổ Ngày hội cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp Bến Tre lần thứ XII diễn ra tại huyện Chợ Lách, các sở, ngành tỉnh phối hợp với UBND huyện Chợ Lách, các viện, trường tổ chức hội thảo tìm các giải pháp phát triển làng nghề nông nghiệp.
Bến Tre có 42 làng nghề được UBND tỉnh ra quyết định công nhận, gồm 24 làng nghề nông nghiệp, trong đó có 7 làng nghề truyền thống được phân theo lĩnh vực (cây giống 5, diêm nghiệp 1, đánh bắt hải sản 1), còn lại là làng nghề cây giống, hoa kiểng. Có trên 20 làng nghề đang hoạt động sản xuất chưa được công nhận hoặc chưa đạt tiêu chí, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: cây giống hoa kiểng, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm… Trong 24 làng nghề được công nhận có 5.828 hộ tham gia với 12.864 lao động. Tổng giá trị doanh thu ước khoảng 627 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt từ 1 triệu - 2,9 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, do tập trung mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ, tăng công suất, duy trì hoạt động có hiệu quả, cải tiến mẫu mã, quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Các làng nghề sản xuất và kinh doanh lĩnh vực cây giống, hoa kiểng tăng mạnh.
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển, thông qua quy hoạch ngành nghề nông thôn của tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, các chính sách này chưa đến được người dân và các làng nghề vẫn còn khó khăn trong hoạt động. Nguyên nhân là do Ban Quản lý các làng nghề yếu, mới mẻ, chưa qua tập huấn đào tạo. Chính quyền địa phương còn lúng túng trong hỗ trợ các làng nghề hoạt động. Sự quan tâm, phối hợp từ tỉnh đến xã để hỗ trợ các làng nghề phát triển chưa chặt chẽ. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều ý kiến từ hội thảo cho rằng, cần quy hoạch xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển các làng nghề. Trong đó ưu tiên phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch, xúc tiến hình thành Hiệp hội phát triển làng nghề của tỉnh, làm đầu mối hỗ trợ các làng nghề.
Theo qui định, các làng nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư, được vay vốn từ quỹ hỗ trợ và giải quyết việc làm, bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, được ưu đãi về thuế đối với các ngành nghề nông thôn mới thành lập, hỗ trợ kinh phí di dời ra khỏi khu dân cư; quy hoạch vùng nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề. Ngoài ra, làng nghề cũng được hưởng các chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực hoạt động cho Ban Quản lý, đào tạo nâng cao kỹ thuật, tay nghề cho lao động tại cơ sở; đào tạo trình độ quản lý và chuyên môn kỹ thuật cho chủ cơ sở... Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống thực hiện các chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề, làng nghề truyền thống đăng ký và thực hiện các chính sách bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ.
Trong hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất thời gian tới, để các làng nghề phát triển bển vững, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hoạt động liên kết để phát triển ngành nông nghiệp nông thôn, hoạt động tiếp thị, khuyến thị. Phát triển làng nghề phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, mỗi địa phương tập trung đầu tư cho sản phẩm đặc trưng (mỗi làng một nghề). Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình chế biến nông, lâm sản, cơ khí nông thôn giúp chuyển dịch lao động nông nghiệp. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn, lồng ghép chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thông qua các chương trình khoa học, hỗ trợ đổi mới công nghệ thiết bị, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu; cần kết hợp giữa phương pháp cổ truyền và hiện đại; khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Tăng cường tuyên truyền phổ biến vận động nông thôn bảo vệ môi trường, sử dụng phân thuốc sinh học.