Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được coi là động lực quan trọng vì vừa hỗ trợ địa phương thực hiện đạt các tiêu chí, vừa là công cụ phát huy nội lực có hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, liên kết sản xuất là một tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh hiện nay vẫn còn mang tính riêng lẻ theo từng hộ gia đình, nên việc liên kết sản xuất chưa được xem trọng. Thực tế cho thấy địa phương nào thực hiện tốt việc liên kết thì áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ hiệu quả hơn, nguồn nguyên liệu dồi dào, đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu cung cấp ổn định cho chế biến, xuất khẩu, cạnh tranh được với thị trường, nhất là xuất khẩu. Nông dân sẽ yên tâm hơn trong đầu tư, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, vốn ưu đãi. Tuy nhiên, để sản phẩm nông nghiệp thỏa mãn nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, nhất là xuất khẩu, thì sản phẩm phải có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khối lượng lớn, kênh phân phối hợp lý. Hiện tại, Bến Tre có nhiều hộ nông dân thay đổi về tập quán sản xuất, đã hình thành mối liên kết trong trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, đây được xem là tín hiệu đáng mừng. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 27 HTX nông nghiệp với 2.118 xã viên, tổng vốn đóng góp là 12,539 tỷ đồng. Trong đó, tại Chợ Lách có 6 HTX sản xuất cây giống và hoa kiểng, như: HTX Thuận Phát, HTX Sơn Định, HTX Tân Thiềng, HTX Thành Lợi, HTX Hưng Hòa, HTX Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn. Trong đó, HTX Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn hoạt động hiệu quả nhất, doanh thu luôn đạt vượt kế hoạch. Năm 2011, doanh thu trên 1,46 tỷ đồng (kế hoạch 900 triệu đồng), tăng 60% so với kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2012 doanh thu trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp sản xuất còn phân tán, chưa tạo được vùng chuyên canh lớn để có thể áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, chưa tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến khâu giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được thực hiện đồng bộ. Các tiêu chuẩn và nguyên tắc trong sản xuất chưa được tuân thủ tốt. Đội ngũ cán bộ quản lý của HTX hầu hết đều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý. Năng lực tài chính của HTX yếu, kể cả cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, qui mô hoạt động. Công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đầu tư, chưa tạo được niềm tin để nông dân tham gia.
Theo ông Phan Chánh Thi - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để củng cố và mở rộng HTX nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nông dân nhận thức đúng đắn về nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Sản phẩm phải có số lượng lớn, chất lượng cao, thương hiệu. Nông dân, xã viên, doanh nghiệp liên kết hợp tác để cùng phát triển. Tổ chức tốt dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh tế hộ. Tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi, từng HTX về cơ sở vật chất, kỹ thuật, vốn, khả năng của cán bộ, nhu cầu của xã viên mà HTX tổ chức các dịch vụ như tưới tiêu, cung cấp vật tư, làm đất, giống, tiêu thụ sản phẩm. Tùy theo qui mô và phạm vi hoạt động mà HTX tổ chức bộ máy quản lý thích hợp như hình thành các tổ, đội. Khâu then chốt là chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, tiến hành đồng bộ khâu tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt. Các cơ quan Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến HTX như giao cấp đất, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX.