Lưu Văn Em - triệu phú dưa cồn Hố

23/05/2012 - 08:27

Cồn Hố và cồn Tròn thuộc ấp An Thạnh và An Thới - xã An Thủy (Ba Tri) nằm liền kề nhau. Nhưng hộ dân ở cồn Hố trồng dưa hấu luôn trúng vụ, thu lợi nhuận cao hơn hộ dân cồn Tròn. Theo các hộ dân trồng dưa, thành công này có sự góp sức của nông dân Lưu Văn Em. Ông Em mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc dưa và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân khác. Nhiều nông dân gọi ông là triệu phú dưa cồn Hố.

Ông Lưu Văn Em thường xuyên tham khảo tài liệu liên quan đến kỹ thuật chăm sóc dưa hấu.

 

Hôm tôi đến, ông Lưu Văn Em đang chuẩn bị “hành trang” để ra Hà Nội dự hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Ông Em cho biết, hội nghị diễn ra đúng thời điểm chưa vào vụ dưa nên ông có thời gian đi dự. Khi vào vụ dưa, sáng sớm ông phải rời khỏi nhà ra cồn Hố chăm sóc dưa đến chiều mới trở về. Ngồi trong căn nhà tường xây dựng khá khang trang, ông Em bộc bạch: Nhờ nhiều năm liền dưa trúng vụ, vợ chồng tôi mới có điều kiện lo cho hai đứa con học xong đại học và xây dựng được căn nhà tường kiên cố.

Cũng giống như nhiều nông dân khác, ông Em xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc học không được đến nơi đến chốn. Lớn lên, lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng ông có 3 công đất cát ở cồn Hố. Không ngại khó, cần cù và siêng năng lao động, vợ chồng ông chọn nhiều loại rau màu để khai thác lợi thế của đất cát. Ông Em nói: Lúc đầu, chăm sóc rau màu theo tập quán truyền thống nên lợi nhuận không cao. Khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, rau màu trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cách đây khoảng 7 năm, sau khi so sánh các loại rau màu, nhận thấy trồng dưa hấu trên đất cồn cát đạt năng suất cao, giá bán ổn định và được thị trường tiêu thụ mạnh, ông Em đã quyết định trồng chuyên canh dưa hấu. Ông Em chọn giống dưa Super Hoàng Châu, Phù Đổng để trồng. Qua từng vụ dưa thu hoạch, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng được nâng lên dần. Tiến thêm bước nữa, ông Em  ứng dụng quy trình trồng dưa sạch và an toàn. Đến năm 2006, từ số tiền tích lũy được, ông Em đã chuyển nhượng 7 công đất, nâng tổng diện tích lên 10 công đất trồng dưa. Toàn bộ diện tích đất được đầu tư đê bao ngăn nước biển tràn vào, ảnh hưởng sự sinh trưởng và phát triển của dưa hấu. Hàng năm, trước khi vào vụ dưa, ông bón vôi xử lý đất. Khoảng 1 tuần sau, ông sử dụng nấm men chủng Trichoderma và phân hữu cơ vi sinh để bón vào đất. Diện tích đất trồng dưa đều được phủ bạt để giữ độ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh; đáng lưu ý là trái dưa nằm trên bạt, không dính cát được thương lái ưa chuộng. Gần đây, ông Em mạnh dạn mở rộng khoảng cách trồng giữa các dây dưa. Nếu như trước đây trồng dây cách dây 3 tấc (dm) nay nới rộng ra từ 4-5 tấc. Với cách trồng này, năng suất dưa không giảm và có nhiều trái to (2kg/trái), được thương lái thu mua giá cao. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm ông trồng và thu hoạch 3 vụ dưa hấu, năng suất bình quân từ 4-6 tấn/công. Sau khi từ chi phí, ông còn lãi từ 180-200 triệu đồng/năm. Riêng năm 2010, dưa trúng vụ và giá cao, ông thu lãi 350 triệu đồng.

Là một nông dân chất phác, ông luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ hộ dân nào khi có nhu cầu. Ấn tượng mà người dân trồng dưa ở cồn Hố khó quên là việc ông đã hỗ trợ khắc phục hiện tượng dưa chết dây khi bước vào giai đoạn cho trái. Nhiều hộ dân trồng dưa ở cồn Hố cho biết, ông Em là người tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc dưa và đem lại hiệu quả cao. Họ đã “bắt chước” cách chăm sóc dưa của ông và thu được lợi nhuận cao. Cồn Hố và cồn Tròn nằm liền kề nhau nhưng hộ dân trồng dưa ở cồn Hố luôn thu được lợi nhuận cao hơn hộ dân ở cồn Tròn. Có trên 10 hộ dân trong ấp được ông cho mượn tiền đầu tư vụ dưa trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng đạt hiệu quả và đã vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, ông Em luôn gương mẫu thực hiện các phong trào do địa phương phát động như đóng góp tiền làm giao thông nông thôn, xây dựng đền thờ liệt sĩ, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ gia đình chính sách gặp khó khăn. Gia đình của ông được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu, nòng cốt tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng xã văn hóa. Nhiều năm liền, ông được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh. Lần dự Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV này, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Nguyên Phấn - Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết, cồn Hố có diện tích 500ha, trong đó có 100ha đất cát được trồng rau màu, chủ yếu là dưa hấu; diện tích còn lại nuôi thủy sản và đất rừng. Trung bình 1 công đất trồng rau màu thu lợi nhuận tương đương 10 công đất trồng lúa. Riêng ông Em là một trong những hộ thuộc tốp đầu trồng dưa thu lợi nhuận cao. Theo ông Phấn, cồn Hố nằm trong dự án du lịch và giãn dân. Hiện tuyến lộ từ đất liền ra cồn dài 7km đã trải đá dăm, 1 cây cầu thi công xong và 2 cây cầu đang thi công. Huyện đã có kế hoạch trải nhựa tuyến đường này. Khi đường và cầu hoàn chỉnh, phương tiện lưu thông thuận lợi, góp phần quan trọng trong vận chuyển tiêu thụ cũng như nâng giá thu mua sản phẩm của hộ dân ở cồn.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN