Lưu ý dịch bệnh hội chứng hoại tử gan, tụy cấp tính

04/10/2012 - 14:19
Nông dân huyện Bình Đại nêu thắc mắc về nguyên nhân tôm chết nhanh.

Ngày 3-10-2012, tại huyện Bình Đại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề đánh giá tình hình nuôi, dịch bệnh năm 2012 và định hướng phát triển nghề nuôi tôm biển năm 2013.

Đến dự có ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản II, đại diện Ban Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng trên 300 nông dân các huyện Ba Tri, Bình Đại.

Theo Quyền Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bến Tre, đến nay, tổng diện tích thả giống tôm biển nuôi thâm canh và bán thâm canh toàn tỉnh là 7.152ha, trong đó vụ 1 là 5.380ha (tôm sú: 3.120ha, tôm thẻ chân trắng 2.260ha); vụ 2: 1.772ha (tôm sú 361ha, tôm thẻ chân trắng 1.411ha). Hiện nay, tôm nuôi vụ 2 đang ở giai đoạn từ 15 đến 85 ngày tuổi. Tình hình dịch bệnh diễn ra khá nghiêm trọng. Tính đến ngày 27-9-2012, tổng diện tích bị thiệt hại là 1.974ha, trong đó tôm sú 1.229ha, tôm chân trắng 745ha, chiếm 27% diện tích thả giống. Cụ thể, huyện Bình Đại có 1.262ha, chiếm 32% diện tích thả nuôi; Thạnh Phú: 190ha, chiếm 20% diện tích thả nuôi; Ba Tri: 520ha, chiếm 22% diện tích thả nuôi. Dịch bệnh tăng qua từng năm, năm 2010 là 336ha, năm 2011: 953ha, tháng 9-2012: 1.229ha. Tôm chết tập trung vào khoảng 20 đến 35 ngày tuổi, một số ít ở giai đoạn 50 đến 80 ngày tuổi. Vùng xảy ra dịch bệnh nhiều nhất là: Tân Xuân, Bảo Thạnh, An Thủy, An Hòa Tây (Ba Tri); Thạnh Phước, Bình Thắng, Thị trấn, Định Trung, Bình Thới, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị (Bình Đại); Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải và An Điền (Thạnh Phú). Nguyên nhân tôm chết là do bệnh hội chứng hoại tử gan, tụy cấp tính (AHPNS), chiếm khoảng 50%; bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), chiếm khoảng 40%; bệnh đốm trắng (WSSV) chiếm khoảng 10%.

Công tác kiểm dịch giống thủy sản thường xuyên được tăng cường. Kiểm dịch giống nhập tỉnh đến hết quý III-2012 đạt 2.330 triệu con, trong đó tôm sú 680 triệu con, tôm chân trắng 1.650 triệu con. Qua kiểm dịch, phát hiện 500.000 con bị nhiễm NSĐV. Công tác kiểm dịch giống thủy sản sản xuất trong tỉnh cũng được chú trọng. Đến hết quý III, kiểm dịch giống tôm biển đạt 420 triệu con, trong đó, tôm sú 180 triệu con, tôm chân trắng 240 triệu con. Qua kiểm dịch, phát hiện 600.000 con bị nhiễm NSĐV. Phòng xét nghiệm của Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã đạt chứng chỉ công nhận ISO/IEC 17025:2005, có năng lực xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm biển.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, Chi cục đã lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2012 ngay từ đầu vụ nuôi. Thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thủy sản từ tỉnh đến huyện và tổ xử lý dịch bệnh tại các xã; củng cố và thành lập mới trên 81 ban ở ba huyện biển. Cử cán bộ của Chi cục theo dõi thường xuyên tình hình nuôi và dịch bệnh tôm tại ba huyện ven biển. Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí mua 200 tấn hóa chất Chlorine dự trữ, Bộ NN&PTNT hỗ trợ 80 tấn nguồn hóa chất Chlorine dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch bệnh tôm. Tổ chức thu 259 mẫu tôm, kiểm soát bệnh định kỳ nhằm tìm nguyên nhân gây bệnh và đề xuất giải pháp xử lý cho người nuôi tôm. Qua kiểm tra, phát hiện 116 mẫu nhiễm IHHNV và 18 mẫu nhiễm WSSV trên tôm chân trắng và tôm sú nuôi. In 4.000 tờ bướm tuyên truyền danh mục các sản phẩm, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Tổ chức tập huấn 84 lớp tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, quy phạm thực hành nuôi tốt VietGAP và xây dựng 10 mô hình trình diễn cho người dân vùng nông thôn. Đến nay, đã hỗ trợ 280 tấn Chlorine để dập dịch. Diện tích thiệt hại được hỗ trợ hóa chất Chlorine để dập dịch là 765ha, chiếm 40,8% tổng diện tích.

Hội thảo cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của người nuôi, nghe thông tin về qui trình kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất tôm giống, ứng dụng kỹ thuật nuôi an toàn sinh học đối với tôm thẻ chân trắng của chuyên gia Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam; các kết quả nghiên cứu mới nhất và các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh hội chứng hoại tử gan, tụy cấp tính trên tôm biển của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích