Một chính sách nhiều ý nghĩa thiết thực

22/04/2010 - 15:21
Bữa ăn giữa ca.

Người thất nghiệp được hưởng các chế độ BHTN khi có đủ 3 điều kiện: đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị thất nghiệp, đã đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm  khi bị thất nghiệp, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với Trung tâm.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách mới nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hiện chỉ có 50% số quốc gia trên thế giới thực hiện. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước thứ hai triển khai, sau Thái Lan. Đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động (NLĐ) bị mất việc làm hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội có việc làm trong thời gian sớm nhất. BHTN tạo ra cộng đồng trách nhiệm ba bên giữa Nhà nước, người sử dụng lao động (NSDLĐ), NLĐ; giảm nhẹ gánh nặng cho NSDLĐ trong việc chi trả các khoản trợ cấp, khi NLĐ không còn làm việc với họ.
Bến Tre bắt đầu tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHTN từ tháng 4-2009, thông qua nhiều kênh tuyên truyền với hình thức khác nhau, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện: tập huấn, tọa đàm, phát hành tờ bướm… Website tại địa chỉ
http://www.vieclambentre.net của Trung tâm Giới thiệu việc làm, có phần tuyên truyền về BHTN, thuận lợi cho mọi người tra cứu. Đối với các đơn vị nào có nhu cầu cần tập huấn thêm về chế độ chính sách BHTN thì Sở sẵn sàng tiến hành tổ chức (Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh - Mỏ Cày Nam là một ví dụ).
Nhờ hoạt động tuyên truyền BHTN một cách rộng khắp nên kết quả triển khai của tỉnh đạt khá tốt. Ông Lê Văn Tám - Trưởng phòng Thu của Bảo hiểm xã hội cho biết, tính đến tháng 3-2010, có 1.342 đơn vị, với 36.051 lao động đăng ký tham gia BHTN, tổng số tiền thu được là 14,1 tỷ đồng. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nói chung tham gia BHTN tương đối tốt, chỉ trừ các đơn vị sự nghiệp của ngành giáo dục (trường học). Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định thực hiện BHTN từ ngày 1-1-2009 nhưng Nghị quyết số 32/2008/NQ-CP lại “cho phép các doanh nghiệp được chậm nộp khoản 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp phải nộp đầy đủ các khoản này trong 6 tháng cuối năm 2009”. Tức là các đơn vị được bắt đầu đóng BHTN từ tháng 7-2009, có truy thu 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, dự toán thu chi ngân sách năm sau của các đơn vị sự nghiệp thường được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào tháng 12 năm trước. Các đơn vị sự nghiệp phải lập dự toán bổ sung được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua lần nữa, để có nguồn kinh phí đóng BHTN vào tháng 7, gây khó khăn cho đơn vị đóng. Một lý do khác làm chậm quá trình đóng là do NLĐ trong đơn vị sự nghiệp cứ nghĩ mình hưởng lương ngân sách Nhà nước nên không phải là đối tượng, từ đó không chịu đóng BHTN. Còn các doanh nghiệp, tuy năm 2009 đã tham gia BHTN tương đối đầy đủ, nhưng có thể do chủ doanh nghiệp “lách luật”, không tham gia BHTN bằng cách ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng với NLĐ (Khoản 1- Điều 2 - Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định phải là NLĐ có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ đủ 12 tháng trở lên mới tham gia).
Bà Nguyễn Thị Khiết -Trưởng phòng Lao động, Tiền lương - Bảo hiểm xã hội - Sở LĐ-TB và XH cho biết, tính đến ngày 14-4-2010, đã có 347 người lao động bị thất nghiệp đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm, trong đó có 206 hồ sơ được Sở phê duyệt ra quyết định cho hưởng trợ cấp hàng tháng. Chưa có trường hợp nào đăng ký hỗ trợ học nghề thông qua các cơ sở dạy nghề. Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chi trả 109,673 triệu đồng tiền trợ cấp hàng tháng cho 76 trường hợp được hưởng BHTN.
Tuy thời gian triển khai thực hiện chính sách BHTN chưa lâu nhưng người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội đã nhận thức được ý nghĩa xã hội của chính sách này. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để chính sách BHTN đến được rộng rãi với NLĐ. Các doanh nghiệp không nên để NLĐ bị thiệt thòi, khi chậm trễ, thậm chí không nộp danh sách số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động về cơ quan BHXH. Điều này đã gây ra khó khăn không nhỏ cho cơ quan BHXH trong việc chốt sổ BHXH.

Tin, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN