Một ngày ở cồn Đâm

07/08/2012 - 17:37
Chị Ly (người thứ nhất bên phải) và các con đang vui đùa. Ảnh: C.Trúc

Ngày đi làm hộ khẩu, các chú trên xã bảo vợ chồng anh Sơn, rằng: Anh chị phải làm luôn cả giấy chứng minh nhân dân, giấy kết hôn và giấy khai sinh cho 5 người con nữa nhé!

Bài 1: Ấn tượng ngay từ tên gọi

Bài 2: Ra cồn để… có đất sản xuất

Bài 3: Thiếu đủ đường...

Sơn là con trai thứ của bà Kiếm. Anh lập gia đình và sinh sống trên cồn Đâm. Vợ anh là chị Võ Thị Trúc Ly, quê ở xã An Qui (cùng huyện Thạnh Phú). Ngày họ đến với nhau, chị vừa tròn 16 tuổi. Đến năm chị 28 tuổi, họ đã có với nhau 5 mặt con.

Câu chuyện về đôi vợ chồng này luôn được bà con trong cồn nhắc đến. Đó là chuyện nhà nghèo, đông con, thiếu điện, đường, trường, trạm… nhưng họ vẫn gắng sức cho con được học hành. Một câu chuyện hiếm thấy trên đất cồn Đâm.

Lam lũ để… chạy chữ cho con

Hầu như người dân trong đất cồn đều thương chị Ly. Vóc người nhỏ nhắn, gầy guộc, xanh xao, nhưng chị luôn xuất hiện với bước đi soi sỏi và giọng nói gãy gọn, khẩn trương. Người ta bảo, bao giờ cũng thấy chị tất bật, lam lũ để kiếm tiền. Nếu không thấy chị dãi nắng, dầm mưa bán dạo từ đầu dãy đến cuối dãy cồn, thì người ta cũng thấy chị xăn quần lội nước, len lỏi trong rừng rậm để bắt từng con cua, con cá. Có được con cá, con ốc nào lớn chị đem bán lấy tiền. Con nào nhỏ quá, chị giữ lại rọng để ăn. Ngoài giờ đi học ở trường, những đứa con của chị cũng lem luốc bùn lầy để theo mẹ phụ vớt ốc. Đứa chạng 6 tuổi, đứa chạng 8 tuổi cũng đã biết kiếm tiền để phụ mẹ mua đồ dùng học tập. Anh Sơn có vóc dáng cao to. Việc làm thường ngày là canh tác 6 công đất cồn và làm mướn thêm để trang trải cho sinh hoạt gia đình. Các bậc phụ huynh khác trong cồn thấy vậy không khỏi trầm trồ: Hai vợ chồng nó vậy mà có mấy đứa con vừa ngoan lại học giỏi. Nhà nghèo, đông con mà đứa nào đi học cũng đều học tốt, có học bổng.

Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Sơn, chị Ly khi đã xế chiều. Đúng lúc anh chị vừa ở trong xã về đến. Chị khoe, hiếm khi chị đi công việc mà được chồng chở bằng xe đạp như hôm nay. Được biết, anh Sơn chở chị vào xã làm thủ tục cho cháu Võ Minh Thuận - lớp 6 để được trường cấp học bổng. Tranh thủ một công đôi ba việc, chị tiện ghé mua đồ, rồi quảy trên vai để bán dạo trên đường về như thường ngày. Ngôi nhà cây, lá của anh chị nằm chơi vơi giữa đất cồn, chưa chắc chắn lắm nhưng là nơi trú ngụ của cả gia đình bảy người. Vật dụng có giá trị nhất trong nhà là những chiếc giường, bàn, tủ được đóng bằng cây. Không có điện, cũng không có ti-vi và các tiện nghi khác. Xôm tụ nhất vẫn là mấy đứa con của anh chị đang tụ tập với tốp nhỏ trong xóm chơi đùa ngoài nắng. Chơi chán, chúng chuyển qua chơi năm mười, chơi keng, cõng thương… Những trò chơi dân dã dễ thương, gần gũi nhưng cũng không cần phải đi xa và mua sắm tốn kém. Bởi chúng biết nếu muốn có đồ chơi phong phú như tụi bạn cùng lứa có điều kiện hơn ở trong đất liền cũng không thể có được.

Ở đây, để học sinh được đến trường, hầu hết cha mẹ phải mất một ngày làm, để cõng con qua rừng. Còn đi theo cách khác là phải đi bằng đò, nhưng rất nguy hiểm. Chắc vì lẽ đó mà có em chỉ được cha hoặc mẹ đưa đến trường được vài ngày, rồi bỏ cuộc. Em nào theo học đến khi biết đọc chữ, được xem là đã quá đủ. Trước tình hình khó khăn chung, chị Ly may mắn được một người bạn trong xã giúp đỡ, cho chị gửi ba người con ở nhờ nhà gần trường để đi học thay vì hai vợ chồng chị phải cõng các con đến trường mỗi ngày. Vào đầu năm học mới, chị lại gửi ở nhờ thêm một đứa nữa. Qua lời tâm sự, được biết, trước đây, bé Thuận đã nhiều lần bị chìm đò nhưng may có người cứu vớt được. Những năm qua, các con của chị Ly đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Hiện, hai anh chị rất băn khoăn, đứa con gái lớn của chị (học lớp 9) có ý định nghỉ học để phụ giúp gia đình, kiếm tiền cho các em đi học. Đó còn là chuyện nếu muốn học cấp ba, em phải có xe đạp để đến trường cách nơi ở rất xa. Rồi còn những khoản chi phí khác: học phí, sách vở, áo dài…

Đường tìm đến cái chữ thật quá khó khăn. Xót xa hơn khi tôi hỏi về ước mơ, Thuận bảo: “Em chỉ muốn được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, em và các chị, em của mình”. Hiện tại, mẹ của em đang bị viêm gan khá nặng, nhưng không có tiền để điều trị. Cả 5 người con cũng đang bị di truyền căn bệnh gan từ mẹ. Chị Ly cho biết, trong một lần đi khám, bác sĩ đã chẩn đoán như vậy. Riêng chị biết mình mắc bệnh này đã nhiều năm nay. Hoàn cảnh đã khó khăn thế này sao chị không dừng lại ở hai con? - tôi bạo gan hỏi. Chị Ly như rất đỗi vô tư: “Không phải vì bị vỡ kế hoạch mà vì muốn sinh con nhiều…”. Dường như chủ trương của Nhà nước chưa đến được với người dân đất cồn Đâm.

Thất học 80% - Vấn đề bức bách đang đặt ra

Nguyên cả cồn này chỉ có nhà của ông Trần Văn Thiện là có 1 chiếc ti-vi, sử dụng năng lượng điện từ máy phát điện chạy dầu. Mới năm rồi, ông được một đơn vị đến lắp ăng-ten (chảo) thu sóng. Vậy là bà con trong cồn có thể đến nhà ông để xem truyền hình vào buổi tối, với khoảng 60 đài. Vấn đề bức bách đặt ra hiện nay là con em tới tuổi, làm sao được đến trường. Ông nhẩm sơ, trên cồn hiện có trên dưới 20 em đang tuổi đi học, nhưng có đến 80% là thất học. Trong số 20% còn lại, hầu hết các em chỉ được cho đi học để biết đọc chữ rồi cũng bỏ ngang, vì không theo nổi nữa. Ông giải thích: “Theo sao nổi, khi một đứa đi học, phụ huynh phải bỏ một ngày “mần”. Trong khi cái ăn chưa no thì cái chữ lo sao tới!”.

Đi một vòng, tôi nhận thấy có một số phụ huynh đã trang bị xe đạp cho con em của họ. Có em 6, 7 tuổi cũng được cha mẹ sắm xe. Hỏi ra mới biết, nghe đâu Nhà nước chuẩn bị xây đường, cho nên họ phấn khởi, sắm xe cho con đi học. Nhìn các em chạy xe đạp rành rạnh, hy vọng về một con đường trong tương lai, thấy phấn khởi. Nhưng hiện tại, thông tin về con đường vẫn chưa thấy rục rịch gì. Bây giờ là thời điểm cận kề của đầu năm học mới. Ông Trần Văn Thiện bức xúc: “Nói đến điều kiện sống, ở đây còn thiếu nhiều lắm, nhưng thiếu nhất và cần thiết nhất vẫn là cái chữ!”.

“Ở đây, đụng đến cái gì cũng thiếu cả, từ điện, đường, trường, trạm, đến thông tin - truyền thông, tài liệu học tập, chủ trương của Đảng, Nhà nước...”

(Ông Trần Văn Thiện - Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản cồn Đâm).

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN