Một số lưu ý trong phòng trị sâu đầu đen

09/05/2022 - 05:52

BDK - Việc triển khai kiểm soát sâu đầu đen (SĐĐ) bằng biện pháp sinh học cần thời gian để thực hiện các nghiên cứu; đồng thời, việc kiểm soát trên đồng ruộng cũng cần nhiều thời gian để thiên địch hoạt động và nhân nguồn trên tự nhiên. Do vậy, việc triển khai biện pháp sinh học chưa rộng rãi và nông dân ở một số nơi nôn nóng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi phóng thích làm ảnh hưởng đến nguồn ong ký sinh (OKS) đã phóng thích.

Sâu đầu đen tấn công vườn dừa ở xã Bình Phú, TP. Bến Tre.  Ảnh: T. Hoàng

Sâu đầu đen tấn công vườn dừa ở xã Bình Phú, TP. Bến Tre.  Ảnh: T. Hoàng

Giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng trừ SĐĐ tại các địa phương, đặc biệt là tiến độ phòng trị đợt 2 vào tháng 7-2021 và các mô hình phóng thích OKS tại thời điểm này dẫn đến một số mô hình bị tái nhiễm và cần nhiều thời gian khắc phục, phục hồi vườn dừa.

Nông dân lựa chọn các loại thuốc BVTV có hiệu lực nhanh, độ độc cao dẫn đến gây chết vật nuôi, tôm, cá và đặc biệt là thiên địch trên các vườn dừa, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai công tác quản lý SĐĐ bằng biện pháp sinh học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc lạm dụng sử dụng thuốc BVTV có nguy cơ làm ảnh hưởng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đã được nông dân và các doanh nghiệp cùng xây dựng thành công thời gian qua. Sâu gây hại thường xuất hiện đầu tiên trên các vườn dừa cao hơn 10m và thiếu công lao động nên khó khăn trong công tác phát hiện và phòng trừ (giật tàu, phun thuốc hoặc đốn, tiêu hủy).

Một số nông dân thực hiện biện pháp phòng trừ chưa tuân thủ quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn: không cắt tỉa các tàu lá bị gây hại nặng đem tiêu hủy trước khi phun thuốc BVTV hoặc cắt tỉa mà không tiêu hủy nên hiệu quả phòng trừ không cao và vẫn còn khả năng lây lan. Đồng thời, việc thực hiện phòng trừ không đồng loạt, phun thuốc chưa đúng cách là nguyên nhân gây tái nhiễm và lây lan nhanh. Một số nông dân không quan tâm đến công tác phòng trừ, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng do dừa không phải là nguồn kinh tế chính hoặc không có công lao động.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Võ Văn Nam cho biết: Để phòng trừ SĐĐ hại dừa có hiệu quả cao hơn, chi cục đã đề nghị bộ môn BVTV Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với địa phương tăng cường công tác nhân nuôi và triển khai rộng rãi quy trình nhân nuôi OKS tiềm năng trong kiểm soát sinh học đối với SĐĐ. Các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ và tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về biện pháp quản lý SĐĐ nhằm hạn chế thiệt hại và lây lan ra diện rộng. Đồng thời, cần tuyên truyền cho nông dân trồng dừa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu dừa hữu cơ của tỉnh đảm bảo khả năng tiêu thụ, đặc biệt là thị trường ngoài nước. Cơ sở vật chất nhân nuôi OKS tại các huyện còn rất hạn chế, điều kiện nhiệt độ và ẩm độ rất quan trọng trong công tác nhân nuôi. Đề xuất kinh phí hỗ trợ các đơn vị huyện cải thiện điều kiện nhân nuôi và một số trang thiết bị phục vụ công tác nhân nuôi, đặc biệt là tại các huyện nhân nuôi thành công như Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam.

Thanh Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN