|
Chăm sóc lúa vụ Thu Đông. |
Đang vào vụ Thu Đông, trà lúa của bà con gần hai tháng tuổi, trong những ngày qua, thời tiết bất lợi: mưa nhiều, khu vực lúa ở vùng đất trũng bị ngập nước nên bệnh đạo ôn kết hợp với vi khuẩn thối thân đã gây thiệt hại lớn….
Toàn tỉnh có diện tích lúa hơn 75.00 ha, trong đó, Ba Tri có 12.260ha, Giồng Trôm có gần 4.000ha. Năng suất lúa bình quân vụ Hè Thu của hai huyện đạt từ 5 đến 5,3 tấn/ha. Riêng năng suất lúa ở Cánh đồng mẫu của huyện Ba Tri đạt từ 5,3-5,5 tấn/ha. Vụ Hè Thu trúng mùa, được giá. Sản lượng lúa Ba Tri ước đạt hơn 61.000 tấn, Giồng Trôm cũng gần 20.000 tấn.
Ông Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, hiện trà lúa Thu Đông năm 2012 đang trong giai đoạn đẻ nhánh và chuẩn bị làm đòng. Trong những ngày qua, mưa nhiều khiến cho rầy nâu, sâu cuốn lá phát triển, hiện đã xuất hiện rải rác trên đồng ruộng nhưng với mức độ thấp. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh thối thân kết hợp bệnh đạo ôn, cháy bìa lá đã gây thiệt hại nặng trên trà lúa và xuất hiện với mật độ ngày càng cao (hiện có gần 10ha lúa phải sạ lại). Qua khảo sát trên đồng ruộng, ông Thanh cho biết, các thửa ruộng xuống giống muộn, lúa dưới một tháng tuổi bị bệnh đạo ôn, cháy bìa lá nhiều hơn các thửa ruộng khác. Điều này cho thấy, việc áp dụng biện pháp xuống giống đồng loạt trên cùng một cánh đồng là rất có lợi cho bà con nông dân: né được rầy nâu và các dịch bệnh khác. Tương tự, cánh đồng lúa của Giồng Trôm cũng bị bệnh đạo ôn và vi khuẩn thối thân tấn công nhưng ở mức độ thấp hơn. Kỹ sư Thanh cho biết thêm, những thửa ruộng bị ảnh hưởng nặng, cây lúa còn bị ngộ độc hữu cơ dẫn đến rễ đen, lúa mất khả năng đề kháng và không phát triển được. Ông Thanh khuyến cáo cho bà con cần phải tháo nước khi ruộng bị ngập úng, chủ động mực nước ruộng từ 3-5cm. Những thửa ruộng bị nhiễm bệnh nặng, bà con cần bón vôi để diệt khuẩn (khoảng từ 20-30kg/1.000m2), giải độc hữu cơ cho lúa. Song song đó, cần kết hợp phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn. Khi thấy lá mạ non đâm ra, bà con nên bón ngay 2kgDAP+2kgkali để dưỡng lá, lúa sẽ phát triển bình thường. Các giống lúa thơm như OM 4900, OM 6162, OM 7347 dễ bị bệnh đạo ôn và vi khuẩn thối thân nhất…
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Do thời tiết vụ Thu Đông diễn biến rất phức tạp, trong tháng qua mưa nhiều, bà con không có điều kiện thăm đồng, phun thuốc được nên dịch bệnh có điều kiện bùng phát. Từ đầu vụ, ốc bươu vàng, sâu phao, sâu cuốn lá đã tấn công mạ non, khi trà lúa được hơn một tháng tuổi thì bị bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, đốm vằn. Trước tình hình này, bà con nông dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, khi có trời nắng thì chủ động phun thuốc điều trị ngay ở những thửa ruộng bị bệnh nặng. Cần lưu ý bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm (lúa tốt, lá lúa to sẽ dễ cho rầy và sâu bệnh phát triển), tăng cường bón kali giúp cây lúa cứng cáp hơn trong mùa mưa bão. Cần chủ động mực nước trên đồng ruộng. Lúa dưới 40 ngày tuổi, bà con hạn chế phun thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng, tránh sâu bệnh bùng phát ở các giai đoạn sau (khi lúa trổ đòng và chín).