Mưu sinh bằng nghề bẻ dừa

14/04/2010 - 09:34
Anh Nguyễn Văn Hồng đang chăm chú với công việc. Ảnh: Đ.C

Sáng sớm, họ đi làm với công cụ trên tay gồm cái nài, lưỡi hái, cây sào dài có gắn câu liêm. Công việc của họ là bẻ dừa thuê cho chủ vườn. Bất kể trời nắng hay mưa, họ đều hoàn thành nhiệm vụ, không để trái dừa bị quá lứa (già). Họ là những nông dân chất phác, có cuộc sống bình dị và tinh thần làm việc cần cù, can đảm.

Bẻ dừa chuyên nghiệp

Vào miền Nam năm 1979, anh Nguyễn Văn Hồng (SN 1957) quê ở xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội gặp chị Trương Thị Lệ (xã Châu Hòa, Giồng Trôm), hai người yêu nhau và kết hôn. Nhà nghèo, không có đất sản xuất, anh Hồng đi bẻ dừa thuê cho mấy chủ vườn dừa trong xóm để kiếm sống. Sau đó thì quen dần, “Hồng bẻ dừa” là cái tên thân thuộc mà bà con trong xã gọi anh. Tính cẩn thận, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn đã giúp chàng thanh niên 22 tuổi đất Hà Thành này vào nghề “làm việc trên trời, ăn cơm dưới đất” đến nay đã hơn ba mươi năm.

Đồ nghề của anh Hồng là cái lưỡi liềm bằng thép bén ngót, được tra cán cây mù u và cái nài. Những người leo dừa thường sử dụng nài được làm bằng dây chuối hay dây đay (dùng thắt võng) hoặc dây dù. Đối với anh Hồng thì khác, nài của anh được làm bằng dây bảo hiểm dành cho khách đi xe ô-tô, hai bên có bọc chì để thêm phần chắc chắn trong lúc cọ xát với thân dừa. Anh Hồng tâm sự: “Lúc mới vào nghề, leo cao tôi cũng sợ lắm, phần sợ bị ong chích, nhưng sau đó thì quen dần. Việc bẻ dừa thuê đã thành nghề nuôi sống cho cả gia đình tôi”. Anh Hồng là “mối” của rất nhiều chủ vườn, từ các ấp Thới Trị, Thới Thuận, Châu Phú (cùng xã Châu Hòa) đến các xã khác, như: Bình Hòa, Lương Quới… Ngày làm việc của anh bắt đầu từ 6 giờ sáng đến trưa (lúc nhiều việc, anh làm cả buổi chiều). Anh Hồng leo lên cây, bẻ những quày dừa khô cho chủ, với tiền công từ 4 đến 5 ngàn đồng/cây. Nếu bắt được chuột dừa (chuột trưởng thành), ngoài tiền công, anh được chủ vườn trả thêm bốn ngàn đồng/con và cho anh những con chuột đó. Mỗi tháng, anh Hồng thu được khoảng bốn triệu đồng. 

Hiện, anh Hồng đã 53 tuổi, nhưng động tác leo dừa của anh vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Điều anh Hồng tâm đắc nhất là từ hai bàn tay trắng, nghề leo dừa đã giúp anh lo chu đáo cho cuộc sống gia đình (7 nhân khẩu), mua được bốn công vườn dừa, lo cho ba người con lớn đến khi lập gia đình, nuôi hai con nhỏ đang đi học. “Tôi còn mạnh khỏe là còn tiếp tục bẻ dừa, vì nhiều cây dừa cao vẫn cần người leo và một số dừa trồng xen với các loại cây khác hoặc gần mái nhà không thể giựt bằng sào được”, anh Hồng cho biết.

Cả nhà cùng làm nghề bẻ dừa thuê bằng sào

Anh Nguyễn Văn Mưa (Năm Mưa) ở ấp 1, xã Châu Bình, Giồng Trôm là người chuyên sống bằng nghề dùng sào giựt dừa thuê cho chủ vườn. Khoảng 10 năm nay, khi các con lớn lên, anh có thêm người con trai và chàng rể cùng làm nghề này. Có thể nói, đến thời điểm này, cha con anh Năm đã có mặt hầu hết ở những vườn dừa lớn trong xã (toàn xã Châu Bình có 950 ha dừa). Mỗi ngày, sau bữa điểm tâm tại nhà, ba cha con anh Năm vác sào lên đường. Năm Mưa cho biết: “Chúng tôi làm mướn cho mấy chủ vườn riết rồi quen, hễ nhìn vào sổ ghi (theo ngày âm lịch) là biết nay mình phải đi đâu, cứ như thế xoay vòng suốt cả tháng, không nghỉ”. Công việc của ba cha con anh là dùng sào (lưỡi được làm bằng thép, cán làm bằng tre tầm vông) để bẻ trái dừa khô cho chủ vườn. Mỗi thiên dừa (1.200 trái), anh được trả tiền công 150 ngàn đồng. Bình quân, mỗi sáng, sau hai giờ làm việc, cha con anh bẻ được hơn một thiên dừa.

Tôi nhìn mấy gốc dừa cao mút mắt, tỏ vẻ ái ngại vì cây sào với không tới. Bằng động tác thuần thục, Tú (con trai Năm Mưa) kéo hai cây sào lại kề nhau rồi dùng ruột xe hon-da nối lại rất nhanh. Tú giải thích: “Dùng tre làm cán sào, độ đàn hồi rất tốt. Lấy ruột xe hon-da cũ để làm dây nối thì khỏi chê, vì vừa bền, vừa dễ tháo ra, thứ này lại dễ tìm”.  Dứt câu, Tú kéo rê cây sào lại gốc dừa cao khoảng 20 mét, rồi kêu tôi tránh xa ra. Tôi vội chạy về phía sau, vừa ngoái cổ nhìn thì “bùm”, một  quày dừa khô sai trái vừa rớt xuống mương. Tú nháy mắt, miệng cười toe toét nhưng lại la to: “Có ong, coi chừng bị đánh”, anh buông sào, móc vội gói thuốc lá ra bật lửa. Anh Năm cùng người con rể cũng bật lửa đốt thuốc. Thấy khói, bầy ong ruồi tản dần ra, không dám lao tới đánh người. Tú bật mí: “Ai làm nghề này cũng phải nếm mùi ong đánh”.  

Làm nghề giựt dừa thuê từ lúc 22 tuổi, đến nay, anh Năm đã 57 tuổi, nhưng vẫn yêu thích nghề và cùng hai con theo nghề này. Theo anh, ngày nào cũng làm nên quen, ở nhà chịu không nổi. Mỗi năm, cha con anh chỉ nghỉ làm thuê vào dịp tảo mộ ông bà, sau đó đón Tết,  cho tới mùng 6 khai trương.

Khá giả từ nghề bẻ dừa

Phải đến nhà lần thứ ba, chúng tôi mới gặp được “cao thủ” bẻ dừa xiêm Ngô Văn Bước (Sáu Bước), xã Phước Thạnh, Châu Thành. Đó là một người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, vui vẻ. Hàng ngày, anh Bước dành rất nhiều thời gian cho công việc: bẻ dừa thuê, lấy mật ong, kể cả thu gom dừa để bán lại cho thương lái. Sinh năm 1970, trong một gia đình nghèo, từ nhỏ anh đã sớm bươn chải cùng cha mẹ. Lớn lên cưới vợ, anh Sáu chọn nghề bẻ dừa xiêm và làm giàu từ nghề này. Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh Đặng Minh Phát cho biết: “Mấy năm trước đây, anh Bước thuộc hộ nghèo, với một vợ và hai con, nhưng nhờ chí thú làm ăn, giờ đã là hộ khá”. Căn nhà tường (cấp 4) khang trang, cùng chiếc xe máy nhãn hiệu Honda còn mới toanh của anh Bước đã minh chứng điều này.

Cái thang tre gọn nhẹ, chiếc lưỡi liềm bén ngót và cuộn dây thừng là “bạn đồng hành” với anh. Hàng ngày, anh Bước vác thang đi bẻ dừa xiêm mướn cho những người quen trong xã và cả những xã khác, như: Hữu Định, Phú Hưng... Đặc điểm của dừa xiêm các nơi này là cây không cao lắm và chủ nhà muốn thu hoạch trái được nguyên cả quày, không bị nứt, bể, nên sẵn sàng mời anh Bước. Vậy mà, có khi chủ vườn phải “alô” báo trước ngày bẻ dừa cho anh Bước vì anh bận quá nhiều việc. Anh tâm sự: “Tôi được nhiều chủ vườn thuê làm. Thông thường, mỗi ngày, tôi có thể bẻ được khoảng 200 cây dừa, tiền công được trả là 2.000 đồng/cây”. Ngoài giờ rảnh rỗi, anh Bước còn tới những khu vườn có nhiều ong để lấy mật và thu mua dừa xiêm trái từ những nơi vùng sâu để bán lại cho bạn hàng. Điều đặc biệt ở anh Bước là cơ thể anh “hạp” với ong, nên ít khi bị chúng đốt, nếu có “dính chấu” thì anh xem như chuyện bình thường.

Chăm chỉ, nhiệt tình và đặc biệt là không thất hứa với chủ vườn là những ưu điểm giúp cho Sáu Bước có nhiều khách hàng. Hiện, mỗi tháng anh kiếm được khoảng 5 triệu đồng, nhưng anh vẫn miệt mài với công việc, không bỏ phí thời gian. Anh Bước cho biết, phải cố gắng nhiều hơn nữa để dành dụm tiền cho đứa con chuẩn bị vào đại học.

Bến Tre có diện tích trồng dừa trên 45,4 ngàn ha, sản lượng khoảng 360 triệu trái/năm. Hàng năm, các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa đã giải quyết hàng chục ngàn lao động nông nhàn, trong số này có cả những người làm nghề bẻ dừa thuê.
 

HUỲNH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích