Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh

03/02/2021 - 18:47

BDK - Lại một mùa xuân nữa sắp đến. Chúng ta chuẩn bị đón Tết Tân Sửu 2021 với nhiều nỗi niềm mừng lo lẫn lộn. Mừng là vì Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà vừa nỗ lực, đoàn kết, kiên trì ứng phó và vượt qua khó khăn do đợt hạn mặn khốc liệt năm 2019-2020, triển khai có hiệu quả việc phòng chống đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân tuy còn khó khăn nhưng đã có bước ổn định, phục hồi. Lo vì tác động, ảnh hưởng và hậu quả của khó khăn “kép” này vẫn chưa hết, “di chứng” còn nặng nề, không thể chủ quan, xem thường và sẽ là cản ngại rất lớn đối với quá trình phát triển của tỉnh nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mỏ Cày Nam cùng nhân dân làm đường nông thôn mới tại xã Minh Đức. Ảnh: Duy Tân

Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mỏ Cày Nam cùng nhân dân làm đường nông thôn mới tại xã Minh Đức. Ảnh: Duy Tân

Trong khó khăn, hoạn nạn, một lần nữa cho thấy: Lòng dân, sức dân thật rộng lớn đã thành “tổng hợp lực” cùng cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra. Đó cũng chính là hiệu quả từ công tác dân vận (CTDV) của cả hệ thống chính trị trong năm 2020 và trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Kết quả đạt được là cơ bản

Trong những năm qua, CTDV đã được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và vai trò tham mưu của Ban Dân vận các cấp triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy luôn quan tâm, kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về CTDV thành các chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo CTDV trong từng giai đoạn cụ thể và hiệu ứng tích cực trong CTDV; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, ban, ngành với MTTQ và đoàn thể các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về CTDV.

CTDV chính quyền có sự chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm CTDV, như: quy chế dân chủ, dân vận chính quyền, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; cùng với việc đổi mới phương thức CTDV theo nội dung “ba không, ba nên, ba cần” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính... đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm phiền hà cho nhân dân.

 Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có bước đổi mới và hiệu quả hơn. Nổi bật là tập trung phối hợp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đạt kết quả tích cực. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo sự đồng thuận và tập hợp, huy động, phát huy nguồn lực to lớn trong nhân dân đối với các chủ trương, phong trào lớn của tỉnh nhà như: thi đua “Đồng khởi mới”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng giao thông nông thôn”, “Dân vận khéo”, nhất là trong ứng phó và giải quyết các vấn đề cấp bách trong phòng chống hạn mặn, dịch bệnh...

Tuy nhiên, CTDV chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Sức mạnh của khối đoàn kết và nguồn lực trong dân chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Việc dự báo tình hình trong dân và nắm dư luận xã hội chưa chính xác, kịp thời; chưa chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo CTDV. CTDV chính quyền có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ, rộng khắp. Hoạt động của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đổi mới chưa theo kịp tình hình nhân dân, có nơi hoạt động theo lối mòn, thiếu đột phá; hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động để thu hút, tập hợp lực lượng ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả...

Nguyên nhân của những hạn chế trên là cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa nhận thức hết vai trò, vị trí CTDV trong tình hình mới; chưa xem CTDV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ đó chưa có những giải pháp quyết liệt trong lãnh đạo thực hiện CTDV. Đội ngũ cán bộ nhiều nơi chưa có sự chủ động, nhạy bén trong tham mưu, đề xuất giải pháp đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa thật sự thuyết phục, có nơi vi phạm đạo đức, lối sống, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV trong giai đoạn 2020 - 2025 cần quan tâm triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đổi mới và làm tốt công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò của CTDV. Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động, mọi chủ trương phải đến với dân sớm, nhanh, đầy đủ để tạo sự đồng thuận ngay từ đầu. Tránh tư tưởng xem CTDV là của khối vận, mà là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị do cấp ủy chỉ đạo, chính quyền phối hợp và Mặt trận, đoàn thể làm nòng cốt. Mỗi cơ quan, đơn vị, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần xác định nội dung CTDV cho phù hợp, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước nhân dân và có trách nhiệm làm tốt CTDV theo phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin”.

Hai là, các cấp ủy Đảng quyết liệt hơn trong lãnh đạo CTDV, đẩy mạnh việc thực hiện CTDV trong các cơ quan nhà nước. Tăng cường lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt quy định về nêu gương của người đứng đầu. Hàng năm, các cấp ủy cần quan tâm đưa nội dung CTDV vào nghị quyết cấp ủy, đặt nội dung CTDV chính quyền làm trọng tâm, đưa CTDV thành một nội dung quan trọng để đánh giá cán bộ, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ngành. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức đối với nhân dân qua việc thực hiện có hiệu quả nội dung “ba không, ba nên, ba cần”. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Đẩy mạnh CTDV chính quyền, của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch, chống phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực. Thường xuyên rà soát thủ tục hành chính, các chủ trương, cơ chế, chính sách để bổ sung, kiến nghị điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và tạo sự đồng thuận của nhân dân. Một số nhiệm vụ, lĩnh vực cần thực hiện tốt CTDV ngay từ đầu, nhất là trong triển khai các công trình, dự án, trong công tác di dời, giải tỏa, tái định cư...

Ba là, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong mọi hoạt động phải luôn đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Mọi việc làm đều phải hợp lòng dân, vì lợi ích nhân dân và do nhân dân làm chủ. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân thông qua các tổ chức đại diện; tạo điều kiện để lắng nghe ý kiến nhân dân vào việc xây dựng Đảng, chính quyền, biến các chủ trương, chính sách ấy thành hành động của chính nhân dân và vì lợi ích của nhân dân.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong nhân dân. Cụ thể, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phù hợp với trình độ dân trí và đặc điểm tình hình cụ thể của các tầng lớp nhân dân, trên từng địa bàn, từng thời điểm. Phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời phản ánh và tham mưu cấp ủy, chính quyền có biện pháp giải quyết những vấn đề bức xúc và công việc liên quan đến đời sống nhân dân. Tích cực tham gia và đóng góp một cách hiệu quả vào phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong nhiệm kỳ mới theo Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Triển khai phương châm “ba nâng”, “ba chống” trong hoạt động của Khối vận từ tỉnh đến cơ sở (Ba nâng: nâng chất lượng tuyên truyền, vận động; nâng hiệu quả phối hợp; nâng chất lượng hoạt động của từng đoàn thể, hội và đội ngũ cán bộ dân vận. Ba chống: chống thụ động, trông chờ; chống đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; chống lối làm việc hành chính, hình thức, bệnh thành tích).

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống dân vận đủ chuẩn, có kỹ năng và có trách nhiệm, tâm huyết với CTDV, được nhân dân tín nhiệm, từng bước xây dựng phong cách làm việc của cán bộ dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Thực hiện tốt phương châm “Ở đâu có dân, ở đó phải làm CTDV”, chú trọng việc chọn những vấn đề khó để xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”.

Bác Hồ kính yêu từng căn dặn chúng ta: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. CTDV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, CTDV sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả mới, nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân vận trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Nâng cao tính thuyết phục và hiệu quả công tác dân vận. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tập trung các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên tổ chức đối thoại và kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền; thực hiện tốt khẩu hiệu “Ba không, ba nên, ba cần” trong tiếp xúc, giải quyết công việc của dân...”.

Bùi Văn Bia - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN