Người nuôi sẽ yên tâm hơn

05/08/2012 - 14:51

Trong chương trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, theo Quyết định 315, ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty bảo hiểm Bảo Minh Bến Tre là đơn vị duy nhất được Bộ Tài chính giao thực hiện thí điểm chương trình này tại tỉnh Bến Tre và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh, do đồng chí Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Trong cả nước, có 20 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm gồm các đối tượng được bảo hiểm như: cây lúa, trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá basa. Riêng tỉnh Bến Tre được chọn triển khai bảo hiểm cho tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá basa. Mục đích của chương trình này là nhằm hỗ trợ cho người nuôi tôm, cá chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Địa bàn thí điểm bảo hiểm đối với cá tra là các xã: Vĩnh Bình, Tân Thiềng, Long Thới (Chợ Lách); Tiên Long, Tân Phú, Phú Túc (Châu Thành); Sơn Phú, Thạnh Phú Đông, Phước Long (Giồng Trôm). Địa bàn bảo hiểm tôm sú, tôm chân trắng là các xã: Định Trung, Bình Thới, Đại Hòa Lộc (Bình Đại); Tân Xuân, An Đức, An Hòa Tây (Ba Tri); Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Mức hỗ trợ của Nhà nước và đối tượng được hỗ trợ gồm 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo; 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; 20% phí bảo hiểm cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Song, do các yếu tố khách quan như các văn bản hướng dẫn thi hành Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Qui tắc bảo hiểm ban hành chậm, nên đến đầu tháng 1-2012, Công ty Bảo Minh Bến Tre mới chính thức triển khai chương trình này. Đến nay, Công ty bảo hiểm Bảo Minh đã ký được 44 hợp đồng bảo hiểm tôm, trong đó có 18 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 25 hộ không thuộc diện nghèo và cận nghèo. Tổng mức trách nhiệm bảo hiểm là 9,975 tỷ đồng. Tổng phí bảo hiểm là 740 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ tiền phí bảo hiểm từ ngân sách là 499 triệu đồng. Sau khi được bảo hiểm, đã có 2 hộ có tôm bị dịch bệnh chết thuộc trách nhiệm bồi thường bảo hiểm, trong đó có 1 hộ nghèo và 1 hộ không thuộc diện nghèo và cận nghèo. Đó là hộ bà Đào Thị Huệ, ở ấp 1 - xã Định Trung (Bình Đại) có tham gia bảo hiểm tôm với diện tích ao nuôi 1.300m2, được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Đến ngày 21-7-2012, tôm được 24 ngày tuổi thì bị dịch bệnh chết, được bồi thường số tiền là 6,872 triệu đồng. Cá nhân không thuộc diện nghèo và cận nghèo là ông Nguyễn Văn Thắng, ở ấp An Phú 1 - xã An Hòa Tây (Ba Tri) có tham gia bảo hiểm tôm với diện tích ao nuôi là 4.000m2, được Nhà nước hỗ trợ 60% phí bảo hiểm, phần phí cá nhân phải nộp là 4,202 triệu đồng. Đến ngày 12-7-2012, tôm được 18 ngày tuổi, bị dịch bệnh chết, được bồi thường số tiền là 14,868 triệu đồng.

Theo đánh giá bước đầu của Ban Chỉ đạo, qua thời gian triển khai bảo hiểm thí điểm nông nghiệp, có sự phối hợp tuyên truyền vận động của các cơ quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng NN&PTNT các huyện, UBND các xã, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, các Ban quản lý vùng nuôi và hệ thống đại lý nhưng đến nay số hợp đồng bảo hiểm đã ký với các hộ nuôi tôm còn hạn chế, riêng bảo hiểm cá tra vẫn chưa ký được hợp đồng. Nguyên nhân do các cơ chế chính sách của Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT ban hành đã bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế như: qui định Chủ tịch UBND tỉnh mới có thẩm quyền công bố, xác nhận thiên tai dịch bệnh để làm căn cứ xác định rủi ro và bồi thường. Điều này làm người dân e ngại nên chưa mạnh dạn tham gia bảo hiểm. Phạm vi bảo hiểm chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu tham gia bảo hiểm của người dân trên tôm như: bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), bệnh hoại tử cơ hay đục cơ do virus (IMNV)…

Các khó khăn trên đã được Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT ghi nhận và sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Đối với dịch bệnh xảy ra chưa đến mức UBND tỉnh công bố thì phân cấp cho UBND huyện xác nhận, trên cơ sở xác nhận của các cơ quan chuyên môn: Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản. Phạm vi bảo hiểm sẽ được mở rộng đối với các loại dịch bệnh nêu trên để bà con nuôi tôm an tâm tham gia bảo hiểm.

H.Hiệp - T.Hồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN