Nhờ chữ Braille, tôi đi qua được bóng tối cuộc đời

19/11/2012 - 07:41
Chị Nguyễn Thanh Xuân - tác giả bài viết “Chữ Braille trong cuộc đời tôi”. Ảnh: T.Thảo

LTS: Có một người phụ nữ đang nắm giữ hạnh phúc, sự thành công bỗng dưng biến cố xảy ra cuốn đi tất cả. Đau thương đã khiến đôi mắt cô mù lòa. Nghị lực và quyết tâm chinh phục chữ Braille là bí quyết giúp cô tìm lại ý nghĩa cuộc sống. Và cô đã chia sẻ điều đó qua bài viết tham dự cuộc thi Onkyo 10 năm 2012 với chủ đề “Chữ Braille trong cuộc đời tôi”. Bài viết này đã được chọn dịch sang Tiếng Anh gửi dự thi đến Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương (WBUAP).

Người tàn tật là người bất hạnh, nhưng có lẽ người khiếm thị luôn chịu thiệt thòi và đau khổ nhiều hơn, điều kiện đi lại khó khăn, vất vả gian nan trong mưu sinh cuộc sống. Cuộc đời là bóng tối.

“Thế giới màu đen/ Em mơ ước một phút giây hạnh phúc/  Em mơ ước một nụ hôn nồng nàn/ Em mơ ước một vòng tay âu yếm/ Nhưng đời em chắc là mơ ước thôi”. Đó là những lời thơ cô Xuân thốt lên trong tận cùng đau khổ khi ánh sáng cuộc đời mãi mãi lìa xa, tình yêu sự nghiệp tan tành theo mây khói.

Cô Xuân tâm sự: Sau giấc ngủ dài mê man bất động, khi tỉnh dậy tôi ngỡ mình lạc vào thế giới bóng đêm. Chung quanh tôi là bốn bức tường tối đen im lặng. Tôi trở thành người khiếm thị từ một sự cố về tinh thần đầy đau thương và nước mắt.

Sự ái ngại của người thân cùng hàng xóm xung quanh càng làm tôi thêm tự ti mặc cảm, bức xúc và đau khổ những giọt nước mắt cứ ứa cay mãi trên mi và rơi xuống đôi bờ môi mặn đắng. Cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi khi được vào “Hội Người mù huyện Ba Tri”. Được tham gia sinh hoạt cộng đồng, tiếp xúc giao lưu với bạn bè đồng cảnh, tự ti mặc cảm trong tôi dần dần không còn nữa. Tôi mạnh dạn bước vào cuộc sống mới bằng những bước chân gậy đầu tiên trong cuộc đời.

Thử thách cuộc đời không bằng thử thách bản thân. Ước mong đổi đời, mong muốn hòa nhập vào cuộc sống mới để không còn là gánh nặng của người thân. Tôi quyết định tiếp nhận lại cơ sở kinh doanh của gia đình do người thân đang quản lý. Công việc mỗi ngày cứ làm tôi rối lên, vì cái đầu của tôi không sao nhớ hết được số điện thoại của khách hàng, những chi tiết cần thiết khi giao dịch… Tất cả tôi phải nhờ vào nhân viên giúp việc. Những thất thoát cứ liên tiếp xảy ra làm tôi mất ăn mất ngủ. Tôi phải làm gì đây? Những dòng chữ, những con số cứ nhảy nhót như bỡn cợt trêu chọc tôi trong giấc ngủ chập chờn đầy trăn trở.

Với hình vóc mảnh mai yếu đuối, những công việc dân dã nặng nhọc không phù hợp với sức khoẻ của tôi, nhưng bất cứ công việc gì dù đơn giản nhất cũng cần đến bàn tay và đôi mắt. Đôi bàn tay chính là đôi mắt của người khiếm thị. Không lùi bước trước khó khăn, tôi nhờ các anh chị đồng cảnh hướng dẫn tôi cách học chữ Braille.

Năm 2009, tôi được động viên học lớp “xóa mù chữ” dành cho người khiếm thị. Tôi hiểu rằng Chữ Braille là kiến thức văn hóa của người khiếm thị. Sau ba tháng học tập trung dưới sự giảng dạy tận tâm của giáo viên, sự quan tâm khích lệ về tinh thần, sức khỏe lẫn vật chất của Ban thường vụ Hội Người mù tỉnh Bến Tre, tất cả các anh chị học viên và tôi đã “biết đọc, biết viết”. Niềm vui sướng không gì tả nổi, những giọt nước mắt cứ rơi dài ướt đẫm cả bàn tay. Việc quản lý cơ sở kinh doanh của gia đình với tôi bây giờ thật thoải mái. Những chi tiết cần lưu giữ để giao dịch với khách hàng, các số liệu về hàng hóa, tiền bạc tôi đều kiểm tra được một cách chính xác. Đặc biệt, chữ Braille đã mở ra cho tôi cánh cửa kho tàng tri thức, một thế giới bao la và một đời sống tinh thần vô cùng ý nghĩa.

Cuộc sống của tôi bây giờ rất vui vẻ, hạnh phúc, tôi không còn là gánh nặng của xã hội. Nhờ chữ Braille, tôi đi qua được bóng tối cuộc đời.

Lược ghi bài viết tham dự Cuộc thi Onkyo 10 (tác giả Nguyễn Thanh Xuân)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN