Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang ngành kiểm tra Đảng

14/10/2024 - 05:25

BDK.VN - Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc; đồng thời, tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm trao quyết định về công tác cán bộ tại Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ảnh: A. Nguyệt

Hoàn chỉnh hệ thống ngành Kiểm tra Đảng

Điều lệ Đảng năm 1930 đã quy định “Trách nhiệm của đảng viên và đảng bộ là giữ gìn kỷ luật của Đảng một cách nghiêm khắc. Tất cả các đảng viên đều phải chấp hành Nghị quyết của Quốc tế, của đại hội Đảng, của Trung ương và Thượng cấp cơ quan” hay “Đối với vấn đề phạm kỷ luật thì do toàn chi bộ hoặc các cấp Đảng bộ tra xét. Các cấp ủy viên có thể đặt ra đặc ủy viên để tra xét những vấn đề phạm đến kỷ luật của Đảng”.

Xác định công tác KT gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Cuối năm 1948, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) họp từ ngày 15 đến 17-10-1948 và tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) đã ký quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan chuyên trách đầu tiên của Đảng theo Quyết nghị số 29/QN/TW ngày 16-10-1948 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Thận) ký, gồm 3 đồng chí: Trần Đăng Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Thường vụ Khu ủy; Hà Xuân Mỹ (còn gọi Hà Minh Quốc) - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII lấy ngày 16-10-1948 là Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng.

Từ ngày thành lập đến nay, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra (UBKT) được ghi chính thức vào Điều lệ Đảng, đại biểu các đại hội thảo luận, bổ sung ngày càng hoàn thiện. Trong 76 năm qua, đội ngũ cán bộ (CB) làm công tác KT các cấp luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, cản ngại, thử thách, luôn trăn trở, trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Đổi mới phương thức KT, GS, gắn liền với Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, UBKT các cấp có nhiều sáng tạo, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xây dựng phẩm chất chính trị, tích cực phục vụ nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho hoạt động lãnh đạo của Đảng qua từng chặng đường lịch sử.

Ngày 14-8-1969, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13 về việc thành lập ban KT các cấp, Ban KT Trung ương Cục được thành lập do đồng chí Phan Văn Đáng - Phó bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban. Đến cuối năm 1969, Tỉnh ủy Bến Tre lập Bộ phận chuyên trách công tác KT, gồm 3 đồng chí: Đoàn Văn Thức (Sáu Đức), Phan Văn Tâm (Hai Minh), Lê Văn Khá (Tư Tổng), do đồng chí Đoàn Văn Thức - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phụ trách. Thời kỳ này, cấp huyện và cơ sở chưa hình thành cơ quan UBKT chuyên trách. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 1977 - 1979, cấp huyện mới có cơ quan UBKT chuyên trách và từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III trở đi, hệ thống ngành KT Đảng của tỉnh mới hoàn chỉnh như hiện nay.

Giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng

Trong thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ các thế hệ CB làm công tác KT luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết thống nhất, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phấn đấu để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Điều lệ Đảng quy định, UBKT các cấp thường xuyên tham mưu giúp cấp ủy thực hiện nhiệm vụ KT, GS theo Điều 30 Điều lệ Đảng, thực hiện các nhiệm vụ do cấp ủy giao, nhất là các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Kết quả hoạt động thời gian qua được cấp ủy đánh giá cao, luôn thể hiện tư tưởng chỉ đạo trong hoạt động công tác KT đó là “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả” với phương châm xử lý “công minh, chính xác, kịp thời”; “lãnh đạo nội dung gì thì KT, GS nội dung đó; KT nội dung gì thì tuyên truyền nội dung đó”, góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, làm trong sạch đội ngũ đảng viên (ĐV), nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đến nay, công tác KT, GS tiếp tục đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Qua KT, GS, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 543 ĐV, giảm 25,62% so với cùng kỳ.

Thời gian từ nay đến Đại hội XIV của Đảng và Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025 - 2030 không còn nhiều, UBKT các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và CB, ĐV về nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tình hình mới để tổ chức thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác KT, GS và kỷ luật của Đảng trong công tác xây dựng Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện, có hiệu quả, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tập trung phối hợp tham mưu thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Hướng dẫn công tác KT, GS phục vụ Đại hội của UBKT Trung ương. Chủ động KT, GS những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, công tác tổ chức, CB và các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Kết hợp KT, GS thường xuyên với KT, GS chuyên đề, KT đột xuất và KT khi có dấu hiệu vi phạm; coi trọng tự KT, GS của cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao khả năng dự báo về những hành vi vi phạm của tổ chức đảng, ĐV để chủ động phòng ngừa vi phạm. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc nổi cộm, bức xúc mà CB, ĐV và dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm ĐV vi phạm kỷ luật. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho CB, ĐV không muốn vi phạm, đi liền với nêu cao tinh thần gương mẫu, thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị chuẩn mực đạo đức cách mạng của CB, ĐV trong giai đoạn mới.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác KT, GS, kỷ luật đảng; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới. Tăng cường, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, HĐND, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác KT, GS và kỷ luật đảng để “đi trước mở đường” cho các ngành tư pháp thực thi nhiệm vụ.

Xây dựng đội ngũ CB KT liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, tâm huyết, có trách nhiệm cao; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của ngành: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy với nhiệm vụ, trung thực, liêm khiết, đoàn kết, kỷ luật”.

Hồ Tính Kiệp

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN