Thời hạn xét xử và trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

13/10/2024 - 20:45

Bà N.T.V có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn trong vụ án xét xử tranh chấp quyền về lối đi. Hòa giải ở xã không thành, tôi đã gửi đơn cho tòa án huyện đến nay đã hơn 2 tháng nhưng chưa thấy giải quyết. Xin hỏi: Thời gian giải quyết vụ án dân sự là bao lâu? Trường hợp nào thì vụ án dân sự bị đình chỉ giải quyết?

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 203 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) năm 2015, thời hạn xét xử vụ án dân sự sơ thẩm là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với những vụ án thông thường; trường hợp phức tạp có thể kéo dài thêm 2 tháng nữa. Trong thời hạn này, tòa án sẽ tiến hành thu thập chứng cứ, hòa giải, chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.

Căn cứ Khoản 1, Điều 217 của Bộ luật TTDS, tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau: Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan; người khởi kiện hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế.

Mặt khác, theo quy tại khoản 1, Điều 192 Bộ luật TTDS, thẩm phán thụ lý vụ án sẽ trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp như vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 192 Bộ luật TTDS: Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Trong trường hợp của bà, nếu đã quá 2 tháng mà tòa án vẫn chưa giải quyết, bà có thể đến tòa án để kiểm tra tình trạng thụ lý đơn hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo điều luật như trên.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN