Những chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng

03/03/2010 - 09:05
Ông Trần Ngọc Ẩn - CBCT xã Long Định đang tác nghiệp. Ảnh: C.T

Trong thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ ở Bình Đại đã đi vào hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ chuyên trách (CBCT) và cộng tác viên (CTV) ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn công tác; qua đó, góp phần giảm tỷ suất sinh hàng năm, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Những kết quả trên là thành quả của quá trình chuyển biến nhận thức, đúc kết kinh nghiệm của những người tham gia công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là tuyến cơ sở. Công việc của cán bộ chuyên trách (CBCT) và cộng tác viên (CTV) không phải là dễ, bởi lẽ quản lý con người và vận động chuyển đổi được nhận thức, để họ thực hiện KHHGĐ là một công việc hết sức tế nhị. Vì vậy, người làm công tác này phải có tính kiên trì, nhẫn nại, có quyết tâm và có kỹ năng. Thật vậy, trong đội ngũ CBCT và CTV dân số, hầu như ai cũng có những đức tính trên.
Năm 2009, có 40 cá nhân điển hình tiên tiến về tham dự hội nghị biểu dương và chia sẻ kinh nghiệm về công tác DS-KHHGĐ tại huyện Bình Đại. Tiêu biểu như: chú Nguyễn Văn Năng là CTV xã Châu Hưng. Quản lý một địa bàn rộng, nhiều hộ nằm rải rác, đi lại khó khăn nhưng chú Năng vẫn không quản ngại thời gian, công sức, thường xuyên len lỏi trong các xóm ấp tiếp cận đối tượng để truyền thông DS-KHHGĐ. Nhờ tích cực với công việc, chú không chỉ được mọi người tin tưởng mà luôn thực hiện đạt các chỉ tiêu biện pháp tránh thai hàng năm. Hay như anh Trần Ngọc Ẩn, CBCT xã Long Định, khi nhận nhiệm vụ, anh bắt tay ngay vào công tác củng cố đội ngũ CTV, chấn chỉnh việc quản lý số liệu DS-KHHGĐ và phối hợp điều tra, thu thập thông tin để làm nền tảng cho các kế hoạch tiếp theo. Ngoài công tác quản lý, trong 3 năm qua, bản thân anh còn thuyết phục 3 trường hợp triệt sản và hơn 80 ca sử dụng các biện pháp tránh thai; đồng thời tham gia hòa giải và đấu tranh phòng chống bạo lực gia đình ở địa phương. Nhờ tích cực hoạt động, Long Định từ một xã yếu đã vươn lên trở thành xã khá tốt được tỉnh và huyện khen thưởng.
Để thực hiện các mục tiêu về DS-KHHGĐ, chị Võ Thị Lũy là CBCT xã Thới Thuận luôn hết lòng vì công việc. Trong mỗi chiến dịch truyền thông, chị đều chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ ngay từ khi xây dựng kế hoạch, bằng việc xác định đúng mục tiêu, đúng đối tượng và chỉ ra các hoạt động cụ thể. Từ đó, qua mỗi chiến dịch, xã Thới Thuận đều đạt kết quả cao, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số của xã từ 19,11%o (2002) nay còn 14,33%o và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên từ 12,7%  (2008) nay còn 3,88%. Không phải là CBCT nhưng chị Lê Thị Thu Hằng, CTV xã Phú Thuận cũng luôn có kế hoạch chi tiết để thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Trong đó mục tiêu ưu tiên là đối tượng có nguy cơ sinh con thứ ba trở lên. Bằng việc kết hợp nhiều hình thức truyền thông, kể cả tác động đến người thân, bạn bè, làng xóm của đối tượng nên chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chị có 6 năm liền hoàn thành chỉ tiêu biện pháp tránh thai và 5 năm liền trên địa bàn không có người sinh con thứ ba trở lên.
5 năm tổ chức chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGĐ là khoảng thời gian giúp cho chị Cao Thị So, CBCT xã Thừa Đức có nhiều kiến thức và kinh nghiệm để trưởng thành trong công tác quản lý DS-KHHGĐ. Trong công tác, chị luôn trau dồi kỹ năng, kiến thức; đặc biệt, chị luôn quan tâm đến từng hoàn cảnh của chị em phụ nữ, theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Hay như chị Nguyễn Thị Kim Oanh, CTV xã Thạnh Phước, không chỉ tuyên truyền KHHGĐ cho chị em phụ nữ, các cặp vợ chồng trong các tổ NDTQ mà còn phối hợp với Công an, Đoàn Thanh niên ấp truyền thông cho bà con trong ấp về Luật Hôn nhân-Gia đình, phòng tránh tảo hôn, về sức khỏe sinh sản vị thành niên để phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn, chị còn là CTV chương trình phòng chống suy dinh dưỡng và có những hoạt động tích cực, được tham dự hội nghị biểu dương CTV toàn quốc lần thứ I. Ngoài ra, còn có các chị: Nguyễn Thị Kim Loan ở Vang Quới Đông, Trần Thị Nga ở Lộc Thuận, Lê Thị Lệ ở Định Trung .v.v...
Những điển hình tiên tiến mỗi năm mỗi đa dạng và phong phú. Mặc dù các anh, chị khác nhau về tuổi đời, kinh nghiệm, địa bàn công tác nhưng tất cả đều có chung một chí hướng, mang cùng một nhiệt tâm với mục đích chung “vì sự nghiệp DS-KHHGĐ”, vì thế hệ tương lai và chất lượng cuộc sống ngày mai của con người.

Đông Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN