|
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre Phạm Công Nghiệp trao giải cho các tác giả đoạt giải báo chí Sương Nguyệt Anh lần thứ V. Ảnh:H.VŨ |
Viết là cái nghiệp, được bạn nghề, bạn đọc và toàn xã hội quan tâm và công nhận giá trị là ước mơ của người cầm bút. Một nhà báo trẻ so sánh, quá trình lao động phóng viên như một học kỳ bình thường của học sinh, tác phẩm đoạt giải báo chí là tấm bằng tốt nghiệp!...
Giải báo chí Sương Nguyệt Anh lần thứ VI, năm 2010 đang bước vào thời khắc quan trọng nhất, để chọn ra những cây bút, bài viết xứng đáng bước lên bục cao nhất. Đến nay, qua 5 lần trao giải, có thể khẳng định rằng Giải Sương Nguyệt Anh là một giải danh giá của những người làm báo Bến Tre.
Chặng đường 10 năm không phải là dài, nhưng đủ để một phong trào tỏa sức “nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bến Tre Phạm Công Nghiệp cho biết, Giải báo chí Sương Nguyệt Anh phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nên lĩnh vực nào cũng có đề tài, có điều kiện để phóng viên đi “săn” thông tin. Nhà báo phát hiện vấn đề, thông qua tác phẩm báo chí, giúp lãnh đạo nắm, xem xét, thậm chí thay đổi những chủ trương cũ cho phù hợp tình hình thực tế. Còn nhớ khoảng 5 năm trước, bản tin ngắn của tác giả Văn Trí đã tác động tích cực đến diêm nghiệp, làm thay đổi số phận của diêm dân. Bản tin này một thời được người cầm bút xem là “tấm gương” để soi rọi, làm tốt hơn chức năng của mình. Nhiều tác giả đã định hình được phong cách làm báo. Cũng từ sân chơi nghề nghiệp này, bạn đọc ngoài tỉnh biết đến một Lư Thế Nhã (Hội Nhà báo tỉnh) “chuyên trị” đề tài về người tốt việc tốt, một Phan Lữ Hoàng Hà “chuyên canh” những vấn đề đặc trưng của xứ dừa, “cây tin” nhạy bén, sâu sắc Văn Trí (Phân xã-Thông tấn xã Việt Nam tại Bến Tre)…
Ông Phạm Công Nghiệp cho biết, tiêu chí hàng đầu để một tác phẩm được trao giải là đề tài hay: một đề tài sáng giá, một kỹ năng nghiệp vụ tốt. Nói có vẻ đơn giản, nhưng lao động phóng viên là cả một quá trình không ít gian nan, thử thách. Thực tế chứng minh “phóng viên salon” hiếm có bài viết thuyết phục, bởi có cọ xát, lăn lộn với thực tế, người viết mới bắt được chi tiết đắt giá làm nổi bật chủ đề tư tưởng. Khi viết về cô giáo Chung, thầy giáo Hé ở Thạnh Phú, ông Tám On cất nhà tình thương ở Châu Thành, và mới đây là bài Thích… đồng chí (viết về Đại đức Thích Trí Định ở Bình Đại), tác giả Lư Thế Nhã chắt lọc những chi tiết biết nói, để cho nhân vật xuất hiện “bình dị mà cao quí”, không khiên cưỡng. Với thủ pháp như vậy, anh tạo một đường biên vô hình để độc giả tự nhận xét, rút ra những gì tâm đắc, đồng cảm hoặc áp dụng vào cuộc sống của họ. Hơn 30 năm tuổi nghề, nhà báo Phan Lữ Hoàng Hà có trong tay khoảng một ngàn tác phẩm báo chí. Phương châm cầm bút của anh là viết để vun bồi cho cuộc sống, “chuyên canh” những vấn đề cơ bản của xứ dừa. Chính vì vậy, nhắc đến anh, người ta dễ nhớ đến người bác sĩ phẫu thuật cho máu bệnh nhân (Bác sĩ Phi Long, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh), về cây dừa, con tôm, cá tra… Khi được hỏi về những tác phẩm ghi dấu ấn cuộc đời, Hoàng Hà nói ngay về hai ông chủ tịch tầm cỡ của Bến Tre: ông Huỳnh Văn Cam (Hội Bệnh nhân nghèo và người tàn tật) và ông Trịnh Mai Sơn (Hội KHKT cầu đường). Hoàng Hà bảo, những nhân vật điển hình như vậy đã mang lại hiệu quả đa chiều cho báo chí, tạo sức lan tỏa xã hội rất lớn.
Giải Sương Nguyệt Anh còn có một điều thú vị khác là đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của một số vị lãnh đạo tỉnh: Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Thanh Niên (hiện là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng… Những tác phẩm ấy góp thêm làn gió mới để phóng viên nào còn xem chính luận là thể tài báo chí “khó nuốt” có thể trau dồi thêm bút lực của mình.
Viết là cái nghiệp, được bạn nghề, bạn đọc và toàn xã hội quan tâm và công nhận giá trị là ước mơ của người cầm bút. Một nhà báo trẻ so sánh, quá trình lao động của phóng viên như một học kỳ bình thường của học sinh, tác phẩm đoạt giải báo chí là tấm bằng tốt nghiệp! Để góp phần rèn luyện tay nghề, nâng số lượng hội viên “tốt nghiệp”, Hội Nhà báo tỉnh tham mưu và được Tỉnh ủy chấp thuận cho Hội tổ chức Giải Sương Nguyệt Anh hàng năm (trước đây tổ chức hai năm/một lần). Đây là cơ hội lớn cho những người yêu thích viết báo ở Bến Tre.
Nếu như Giải Sương Nguyệt Anh dành cho những người yêu thích viết báo thì vài năm trở lại đây, Đề án 926 của Chính phủ (sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao) là “lãnh địa” dành riêng cho hội viên Hội Nhà báo. Ở đây, bạn đọc biết đến Kim Huyên (Hội Nhà báo tỉnh), Nguyễn Bảy, Nguyễn Thẻ (Đài PT-TH Bến Tre), Phương Yến (Báo Đồng Khởi), Huỳnh Mọn (Bình Đại), Huỳnh Vũ (Thạnh Phú), Nguyễn Sơn (Mỏ Cày Bắc)… Sau các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người tham gia Giải Báo chí thuộc Dự án VID 122 do Hội tổ chức, xuất hiện những cây bút không chuyên, như: Đặng Hồng Nhựt (Ba Tri), Lê Văn Trung (Mỏ Cày Nam)…
Nhìn chung, đề tài của các giải báo chí đa dạng, gần gũi hơi thở cuộc sống; bài dự thi ngày càng tăng về số lượng, cao về chất lượng, tác động tích cực đến hiệu quả thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo chí. Sân chơi nghề nghiệp đã có, tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng người cầm bút chưa thể hiện hết trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình. “Cuộc đời có đan xen giữa thành công và thất bại. Quan trọng là mỗi người biết cầu tiến nhưng tôn trọng kinh nghiệm, không chối bỏ sai lầm để ngày càng hoàn thiện chữ tâm, cái tầm, để sống mãi với nghề. Được như vậy ngòi bút mới có thể lớn lên cùng năm tháng”, một nhà báo lão thành nhắn nhủ.