Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

22/08/2018 - 07:30

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, đã cụ thể đầu việc của nghị quyết về nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với BĐKH. Qua nửa chặng đường thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH, các thành viên đã có nhiều nỗ lực triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh với các giải pháp thiết thực, bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả, góp phần thích ứng với BĐKH tốt hơn.

Thi công hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp Ba Tri.

Thi công hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp Ba Tri.        

Nâng cao nhận thức

Hàng năm, công tác truyền thông và nâng cao nhận thức được chú trọng thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức như: tập huấn, hội thảo, bản tin, phóng sự, chuyên đề. Ngành giáo dục đã tích hợp BĐKH vào môn học phù hợp để phổ biến đến học sinh cấp THPT, THCS. Các thông tin kiến thức cơ bản về BĐKH cũng được đưa vào các lớp đào tạo, quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, đào tạo chính trị; tổ chức các cuộc thi thiết kế nhà thân thiện môi trường thích ứng với BĐKH. Trong khuôn khổ Dự án AMD Bến Tre kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các huyện, thực hiện hàng trăm tin, bài, ảnh có liên quan đến BĐKH. Đã in 1.7047 tờ áp phích, 15.000 tờ bướm, 7.000 bộ tài liệu, mở 42 lớp tập huấn, trên 313 lớp tập huấn cho 6.615 nông dân về thích ứng hạn mặn; cấp phát 9.830 sổ tay canh tác thích ứng. Ngoài ra, còn phổ biến rộng rãi 1.000 kịch bản BĐKH đến cấp xã. MTTQ cùng các tổ chức thành viên tích cực ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường. Có trên 100 chức sắc tín đồ tôn giáo tham gia tập huấn; phát hành 3.000 tờ rơi và triển khai thí điểm mô hình cộng đồng tôn giáo bảo vệ môi trường ứng phó BĐKH, tại xã Vĩnh Bình (Chợ Lách), Mỹ Thạnh (Ba Tri).

Tỉnh Đoàn tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân, có 5.266 lượt người tham gia. Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn 36 lớp chuyên đề cho 860 hộ nông dân xã Bình Thạnh, Thới Thạnh, Mỹ An, Mỹ Hưng (Thạnh Phú). Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức 37 lớp tập huấn, 387 cuộc truyền thông với trên 40 ngàn lượt người tham dự.

Tần suất quan trắc, thông tin khí tượng thủy văn đến các cơ quan quản lý và người dân đã được cải thiện so với trước đây. Các bản tin từ Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre như triều cường, độ mặn, diễn biến thời tiết được cập nhật thường xuyên trên mạng. Thông tin độ mặn hàng ngày tại các nhà máy nước được chuyển đến các cơ quan, đoàn thể tỉnh, huyện, xã qua hệ thống nhắn tin điện thoại. Dự án AMD cũng đã trang bị 466 dụng cụ đo độ mặn cầm tay cho khoảng 2.853 hộ nông dân hưởng lợi. Hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động dự kiến hoàn thành lắp đặt, vận hành vào đầu năm 2019. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng đã được phổ biến đến các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện để lồng ghép ứng phó vào dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều mô hình hiệu quả

Công nghệ tiết kiệm nước, xử lý nước nhiễm mặn được ứng dụng vào canh tác nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt như mô hình tưới tiết kiệm trên cây bưởi da xanh ở Giồng Trôm; cây xoài, dưa hấu ở Bình Đại, Thạnh Phú; hệ thống RO công nghệ Đan Mạch tại Nhà máy nước Bình Thành, An Phú Trung; hệ thống RO Nhà máy nước Hưng Nhượng, Tân Trung. Trong canh tác lúa, đã tuyển chọn được 4 giống chống chịu mặn và mô hình canh tác lúa sạch ở Thạnh Phú. Thí điểm thành công và khả năng nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái thích ứng BĐKH dựa vào rừng ngập mặn.

Đối với thích ứng với BĐKH, tập trung hỗ trợ sinh kế, nâng cao năng lực thích ứng BĐKH cho nông dân. Đã có khoảng 30 mô hình canh tác thích ứng đã được Dự án AMD Bến Tre phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện tổ chức thí điểm cho nông dân như mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn, xen trong ruộng lúa, gà thả vườn an toàn sinh học, thích ứng BĐKH, thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng, nuôi cá sặc rằn thích ứng. Để hỗ trợ nông dân ứng phó hạn mặn, Sở NN&PTNT, MTTQ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Chữ thập đỏ đã vận động tài trợ trên 53 ngàn thùng chứa nước ngọt, 10.637 dụng cụ chứa nước ngọt, khoảng 798 giếng nước ngọt. Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động 27.050 dụng cụ chứa nước ngọt, 38 giếng khoan; Dự án AMD cung cấp 1.228 dụng cụ chứa nước cho các hộ nghèo tại 30 xã dự án.

Các dự án thủy lợi trọng điểm về xâm nhập mặn, điều tiết nước đang được khẩn trương triển khai. Dự án quản lý nước nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 110.442ha đất nông nghiệp; hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre và Bắc Bến Tre với tổng diện tích đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn khoảng 194.800ha. Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp huyện Ba Tri với sức chứa trên 800 ngàn m3 nước ngọt thô phục vụ cho 200 ngàn dân, 100 ngàn gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 150 trụ sở cơ quan, trường học trên 24 xã, thị trấn Ba Tri, đã hoàn thành giai đoạn 1. Dự án cấp nước cù lao Minh trong điều kiện BĐKH cấp nước ngọt sinh hoạt, sản xuất 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú hiện đang trong giai đoạn phê duyệt nghiên cứu khả thi; Dự án Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đang trong thời gian lựa chọn nhà thầu.

“Để công tác ứng phó với BĐKH ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức qua báo đài, hội thảo, tập huấn. Tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Hoàn thành lắp đặt, vận hành thử nghiệm và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo mặn tự động. Xây dựng cơ sở dữ kiện BĐKH Bến Tre. Cập nhật kiến thức BĐKH Bến Tre kịch bản mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đánh giá hiệu quả mô hình sinh kế và chọn mô hình hiệu quả để nhân rộng. Đặc biệt, nhân rộng các mô hình canh tác áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, mô hình nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn” - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Chinh nhấn mạnh.

Công tác ứng phó với BĐKH được quan tâm và triển khai rộng khắp đến các sở, ngành, đoàn thể, địa phương. Nhiều đối tượng được tiếp cận với kiến thức, thông tin về BĐKH. Có 41/49 nội dung thực hiện đạt các mục tiêu của kế hoạch hành động ứng phó giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai. Trong đó, các công trình trọng điểm ứng phó lâu dài về thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và quan trắc, cảnh báo mặn tự động có nguồn kinh phí đầu tư và thi công. Nhiều mô hình sinh kế, canh tác thích ứng được thí điểm nhận được sự hưởng ứng tích cực và tham gia của nông dân. Các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường như tiết kiệm nước, năng lượng tái tạo bước đầu phát triển và ứng dụng trong thích ứng và giảm phát thải nhà kính.

(Ông Nguyễn Văn Chinh - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ứng phó với BĐKH tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)             

 Bài, ảnh: Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN