BDK.VN - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh vừa ký công văn về việc chủ động đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025.
Thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông để lấy nước ngọt chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Theo đó, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh và đảm bảo phù hợp với thông tin dự báo, tình hình thực tế để chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Tuyên truyền, phát động, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt. Tham gia quản lý và bảo vệ nguồn nước; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước. Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn và nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước (nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất), thực hiện các giải pháp tích trữ, vận chuyển nước để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hoạt động xả nước thải, các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, xả nước mặn,... tại các khu vực trữ nước, lấy nước của các nhà máy nước, bên trong công trình thuỷ lợi.
Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến của hạn mặn; kịp thời thông tin, tuyên truyền để cơ quan, đơn vị, người dân biết kịp thời ứng phó. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống hạn mặn của các ngành, địa phương, kịp thời tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp nước theo phân cấp quản lý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, không nhiễm mặn theo quy định cho người dân trong vùng phục vụ.
Có phương án vận chuyển nước ngọt thô, đấu nối nguồn nước,... về xử lý để cung cấp nước ngọt không tăng giá để phục cho nhân dân. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do xâm nhập mặn gây ra. Khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản,... phù hợp với từng khu vực. Đặc biệt, đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây giống, hoa kiểng.
Hướng dẫn, khuyến cáo, không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch. Chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Theo dõi, kiểm tra công tác vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo phù hợp với diễn biến mặn, vừa đảm bảo trữ nước ngọt, vừa thau chua, rửa mặn, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp nước theo phân cấp quản lý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch, không nhiễm mặn theo quy định cho người dân trong vùng phục vụ. Có phương án vận chuyển nước ngọt thô, đấu nối nguồn nước,... về xử lý để cung cấp nước ngọt không tăng giá để phục cho nhân dân.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước đầu ra ở các nhà máy, cơ sở cung cấp nước bảo đảm đúng theo quy định. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó xâm nhập mặn tại các cơ sở y tế. Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy lọc mặn sẵn sàng lọc nước phục vụ tại các bệnh viện, trung tâm y tế khi mặn diễn biến gay gắt.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh có kế hoạch vận hành và phát huy tốt hiệu quả các thiết bị lọc nước, trữ nước đã được các tổ chức, cá nhân tài trợ thời gian qua, bảo đảm cung cấp đủ nước ngọt cho học sinh trong các trường học,... Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp trữ nước ngọt, phòng, chống ảnh hưởng của xâm nhập mặn cho học sinh, sinh viên.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác theo dõi nguồn nước, quan trắc môi trường nước. Đặc biệt, quan trắc độ mặn trên các sông chính, các công trình thủy lợi trữ ngọt, quan trắc các điểm có lưu lượng xả thải cao như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị. Kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, nhằm hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm để bảo vệ môi trường nước.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở NN&PTNT và các huyện, thành phố tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất như: giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khả năng thích ứng, chống chịu mặn ở cây trồng, vật nuôi,..
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện quan trắc, theo dõi diễn biến xâm nhập mặn đối với các trạm quan trắc thuộc phạm vi quản lý; kịp thời dự báo, cảnh báo tình hình, diễn biến xâm nhập mặn đến các ngành, địa phương và người dân để có phương án chủ động ứng phó.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thông báo đến các doanh nghiệp về dự báo tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 để chủ động phương án phòng tránh, ứng phó. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các đơn vị cung cấp nước trong các khu công nghiệp thuộc phạm vi quản lý đề xuất các phương án cung cấp hoặc vận chuyển nước ngọt để phục vụ sản xuất các doanh nghiệp.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng đối với các dự án/công trình thủy lợi được giao làm chủ đầu tư theo đúng kế hoạch để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ ngăn mặn. Có phương án ngăn mặn đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đầu mối phục vụ trữ nước.
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát tình hình, diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối. Đẩy nhanh tiến độ nạo vét, sửa chữa các công trình thuỷ lợi. Tổ chức vận hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo công tác trữ ngọt, rửa mặn, hạn chế ô nhiễm trong các hệ thống thủy lợi, hồ chứa,... nhằm đảm bảo cấp nước ngọt phục vụ các nhà máy nước, sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.
Các đơn vị cấp nước nghiêm túc thực hiện việc cung cấp nước sạch bảo đảm đủ số lượng, áp lực và chất lượng theo quy định. Xây dựng và triển khai phương án cung cấp nước sạch không bị nhiễm mặn (đấu nối, chia sẻ nguồn nước; bố trí cấp nước ngọt theo khung giờ; vận chuyển nước thô về xử lý; cấp nước tập trung, di động,...) đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Chủ động triển khai thực hiện các phương án ứng phó theo các mức độ mặn khác nhau để bảo đảm nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người dân. Không để tình trạng người dân thiếu nước ngọt sử dụng hoặc mua nước với mức giá quá cao. Tăng cường, chủ động thực hiện quan trắc, giám sát đối với chất lượng nguồn nước khai thác (đặc biệt đối với các khu vực bên trong cống, đập) để có phương án xử lý nước cấp đảm bảo đạt chuẩn theo quy định cung cấp cho người dân.
Thường xuyên giám sát, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có nguồn nước khai thác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi có khả năng gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước khai thác.