Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn Bến Tre.
Tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Bến Tre, báo cáo với Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết trên cơ sở dự báo của Trung ương và các bộ ngành, ngay từ giữa năm 2023, Bến Tre đã có các giải pháp chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Bước vào đầu mùa khô 2023-2024, tỉnh đã sớm chỉ đạo, tổ chức phát động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phòng chống hạn mặn và chủ động trữ nước mưa, nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất. Kết quả cho thấy việc chủ động trữ nước sản xuất trong dân có hiệu quả, đảm bảo cho vật nuôi, cây trồng đảm bảo vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: “Đến nay có thể khẳng định, thiệt hại do hạn mặn ở Bến Tre là không nhiều và chúng tôi đảm bảo cơ bản nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Tỉnh rất chú trọng việc đảm bảo nước ngọt cho 2 nhà máy nước lớn của tỉnh, đảm bảo cung cấp nước cho các khu, cụm công nghiệp, cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, trong thời gian còn lại của mùa khô, tỉnh tiếp tục chỉ đạo kết nối các nhà máy nước có nguồn nước ngọt cho các nhà máy nước đang có xâm nhập mặn cao. Đối với những chỗ không kết nối được thì cho chở sà lan nước ngọt, nơi nào nhiễm mặn không thể hòa nước thì cho chở các xe bồn nước để cung cấp, hỗ trợ cho người dân.
Đồng thời các địa phương cũng sẽ tận dụng hệ thống lọc nước RO đã có, khơi lại giếng làng, giếng hộc tại khu dân cư để có thêm nước ngọt, vận động các nhà máy nước giảm tiền nước khoảng 10% cho người dân, vận động nhân dân tiết kiệm nước sinh hoạt, tiếp tục các giải pháp để vượt qua hạn mặn năm 2023-2024. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cụ thể, Bến Tre khẳng định sẽ vượt qua hạn mặn mùa khô 2023-2024. Bến Tre cũng tiếp tục kiến nghị Trung ương, các bộ ngành hỗ trợ để tỉnh hoàn thiện các công trình cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá việc phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn của tỉnh ngày càng có sự đảm bảo, chặt chẽ từ thông tin, trong công tác chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các giải pháp trước mắt và lâu dài, góp phần thích ứng lâu dài với hạn mặn.
Đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bến Tre.
Theo thông tin từ đại diện Tổng cục Khí tượng thủy văn, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn diễn ra sớm, đi sâu nội đồng, có những nơi sâu đến 70km đối với các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang. Tuy nhiên, theo đánh giá tình hình không khắc nghiệt như năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Dự báo, tình hình nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất 10 ngày nữa, khoảng từ ngày 20-4-2024 trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện mưa trái mùa nhưng không đáng kể, làm dịu đi tình hình nắng nóng. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay dự báo sẽ đến muộn từ 10 - 15 ngày so với hàng năm, khoảng từ ngày 20-5-2024 mùa mưa mới chính thức bắt đầu, tình hình xâm nhập mặn sẽ kéo dài ít nhất trong 1 tháng nữa.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã gửi lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ đến chính quyền và nhân dân các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.
Qua báo cáo của các tỉnh, Phó thủ tướng đề nghị các bộ ngành cũng như các tỉnh cần có tầm nhìn chung về thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn theo quy mô cấp vùng. Đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi có sự đồng bộ và tương ứng với thực tế tình hình nguồn nước. Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nước tập trung ở các vùng duyên hải.
Về lâu dài, các địa phương cần tính toán việc kết nối các nhà máy cung cấp nước sạch, đưa nước đến người dân cũng như có sự điều tiết, sắp xếp tập trung ở các vùng dân cư địa bàn khó khăn, dân cư thưa thớt, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, có giải pháp thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Cần có các giải pháp về công nghệ số để dự báo, cảnh báo, hướng dẫn người dân trong ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu.
Tin, ảnh: Thanh Đồng