Nuôi bồ câu góp phần thoát nghèo

07/08/2012 - 17:20
Bồ câu được nuôi nhốt tại xã Phú Phụng.

Mỗi hộ được hỗ trợ 10 cặp bồ câu giống và 50% chi phí thức ăn (30 ngàn đồng/cặp). Sau thời gian 4 tháng, khi bồ câu sinh sản đã đủ số lượng 10 cặp con giống đầu tiên thì các hộ này sẽ chuyển giao con giống cho những hộ nuôi tiếp theo.

Phú Phụng (Chợ Lách) là một trong những xã thành công của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) trong xây dựng mô hình kinh tế hợp tác. Toàn xã có 11 nhóm hợp tác, với 274 thành viên, trong đó có những nhóm tạo được hiệu quả kinh tế cao, như: Tổ hợp tác và tiêu thụ sản phẩm được cấp chứng nhận GlobalGAP của 36 hộ ở ấp Phụng Đức B. Mới đây, nhóm nuôi bồ câu dành cho những hộ thanh niên nghèo, cận nghèo và hộ gặp khó khăn, được đánh giá đạt hiệu quả như mong muốn.

Đó là cách xây dựng mô hình nuôi bồ câu của Phú Phụng. Theo anh Nguyễn Văn Giang - Trưởng ban phát triển xã Phú Phụng, dù chỉ mới triển khai được hơn 6 tháng, nhưng mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho hộ nghèo ít đất hoặc không có đất sản xuất.

Gia đình chị Lê Thị Lan chỉ có 200m2 đất, cất được căn nhà nhỏ che nắng mưa cho năm người (chồng và ba con). Khoảnh sân nhỏ còn lại bấy lâu chị chỉ trồng được vài cây dừa. Nguồn thu nhập chính của gia đình chị là tiền làm thuê hàng ngày của cả hai vợ chồng. “Khi nhận được 10 cặp bồ câu, khoảng 2 tháng sau, thì chúng đẻ lứa đầu tiên. Với giá bồ câu ra ràng 70 ngàn đồng/cặp, bồ câu con 120 ngàn đồng/cặp, trừ chi phí, thì cũng còn khoảng 700 ngàn đồng/tháng” - chị Lan cho biết.

Không phải chỉ gia đình chị Lan mà hầu hết các hộ trong nhóm nuôi bồ câu đều rất hào hứng và tự tin với mô hình này. Bồ câu nuôi rất hiếm khi bị dịch bệnh (chỉ xổ giun khoảng 6 tháng/lần). Còn đầu ra cho sản phẩm thì được một cơ sở nuôi bồ câu trên địa bàn bao tiêu. Anh Nguyễn Văn Thuyền (ấp Chợ - xã Phú Phụng) - người cung cấp bồ câu giống cho nhóm hợp tác đồng thời cũng là người bao tiêu sản phẩm cho biết, anh nuôi 500 cặp bồ câu, mỗi tháng có gần 400 cặp bồ câu con xuất chuồng (loại ra ràng hoặc bồ câu con) và thu nhập bình quân 20 triệu đồng. Đồng thời, anh cũng là đầu mối kinh doanh, kết nối thị trường giữa người nuôi bồ câu ở địa phương với các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Theo anh Thuyền, nguồn cầu hiện đang còn rất lớn, cơ sở của anh chỉ cung cấp được phần nào yêu cầu của khách hàng, mặc dù hiện tại mỗi tháng anh cung khoảng 7 - 8 ngàn cặp bồ câu ra ràng.

Đây chỉ là sự khởi đầu, thu nhập từ nuôi bồ câu hiện tại của các hộ này không nhiều hơn số tiền họ làm thuê mỗi ngày. Nhưng, theo cách tính của anh Nguyễn An Khương - Nhóm trưởng nhóm hợp tác, mỗi ngày chỉ bỏ ra nửa tiếng cho bồ câu ăn, chăm sóc nên không ảnh hưởng đến công việc thường ngày. Hơn nữa, 10 cặp bồ câu ban đầu như là “vốn mồi” để những hộ nghèo dành dụm, nâng dần số lượng đàn bồ câu. “Đã có hộ nhân lên được 50 cặp bồ câu giống. Chúng tôi đang đề nghị được vay vốn từ nguồn quỹ phát triển nhóm hợp tác để làm mô hình theo hướng nuôi bồ câu phía trên, dưới ao nuôi cá. Tôi tin đây là cơ hội thoát nghèo cho những người ít đất sản xuất như chúng tôi” - anh Khương cho biết.

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN