Phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất

01/08/2016 - 07:45

Ban Điều phối dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh hỗ trợ 4 tỷ đồng.

Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh Phú vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Chủ động trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất là một trong những giải pháp căn cơ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình hạn mặn, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.

Dự báo hạn mặn sẽ ngày càng gay gắt

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian vừa qua, huyện Thạnh Phú đã chịu sự tác động trực tiếp và ảnh hưởng năng nề. Có thời điểm độ mặn lên đến 25%0 trên các sông phủ khắp địa bàn huyện. Khu vực nội đồng có nơi lên đến 5%0. Hậu quả, một số nơi không còn nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất, dẫn đến thiệt hại trên 5.300ha lúa và hoa màu các loại; trên 1.500ha tôm càng xanh nuôi xen. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 180 tỷ đồng.

Toàn huyện hiện có hơn 5.000 hộ nghèo và cận nghèo rất cần thùng, bồn chứa nước và các loại dụng cụ trữ nước khác để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều gia đình rơi vào tình trạng mất nguồn thu nhập, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất… Bước đầu, huyện đã kêu gọi và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các loại dụng cụ chứa nước.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, tình hình hạn mặn sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới và mức độ ngày càng gay gắt hơn. Nguy cơ thiếu nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt đang trở thành nỗi lo ngại lớn nhất đối với huyện Thạnh Phú. Vì vậy, việc phát động nhân dân chủ động trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất được xác định là biện pháp ứng phó kịp thời giúp hạn chế thiệt hại trong sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người dân và tránh tỷ lệ hộ nghèo gia tăng trong thời gian tới.

Hội nghị đã kêu gọi nhân dân nâng cao tính chủ động, tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện (như: ống hồ, mái lu, bồn chứa, túi chứa nước, đào hố trải bạt, ngăn chứa nước ngọt trong ao, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực) ngay trong mùa mưa năm 2016. Bên cạnh đó, huyện sẽ vận động, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ một phần dụng cụ, phương tiện chứa nước cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn.

Dịp này, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành cùng huyện trong thực hiện phong trào trữ nước mưa, nước ngọt thông qua việc hỗ trợ ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Đặc biệt, Ban Điều phối dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh hỗ trợ 4 tỷ đồng.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, chúng ta phải xem việc khắc phục hạn mặn và phòng chống thiên tai là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của mọi nhà, mọi người. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tranh thủ và huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện nhiều giải pháp: nạo vét kênh mương nội đồng; duy tu sửa chữa các cửa cống; xây dựng hồ trữ nước ngọt; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nêu cao ý thức chủ động dự trữ nước mưa, nước ngọt, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả các nguồn nước mưa, nước ngọt.

Để thực hiện thắng lợi phong trào trữ nước mưa, nước ngọt, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn yêu cầu các chi bộ, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, MTTQ, các đoàn thể, từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt 4 phần việc chính:

Thứ nhất, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở phải tích cực, nhanh chóng tuyên truyền rộng khắp đến mọi người dân thông qua các kênh: đài truyền thanh, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, tổ nhân dân tự quản. Chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo đạt hiệu quả cao, thành lập đội hình tình nguyện giúp người dân khắc phục hạn mặn khi có yêu cầu.

Thứ hai, các ngành chuyên môn nghiên cứu, phối hợp để hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nhân dân tiết kiệm được chi phí trong khoan giếng, xây hồ, xây cống xi-măng… Ngành ngân hàng triển khai sớm các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách có nhu cầu vay vốn để xây hồ, trang bị các dụng cụ trữ nước. 

Thứ ba, tập trung vận động, huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện để hỗ trợ việc khắc phục hậu quả và thiệt hại của hạn mặn đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn. MTTQ làm đầu mối tiếp nhận và phối hợp với UBND huyện xây dựng kế hoạch phân bổ cho các xã, thị trấn và các hộ gia đình đảm bảo tính công bằng, khách quan, đúng đối tượng, tránh trùng lắp.

Thứ tư, UBND huyện chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực, sự hỗ trợ của cấp trên để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Quản lý chặt chẽ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Sơn kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân huyện nhà tích cực thực hiện các biện pháp trữ nước mưa, nước ngọt. Tại lễ phát động, huyện đã quyết tâm phấn đấu đến mùa khô năm 2017 và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, cũng như không để bất cứ hộ gia đình nào, người già và trẻ em nào thiếu nước ngọt để uống và sinh hoạt.

PGS.TS Đỗ Tiến Lanh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, vừa qua, Bến Tre đã linh hoạt, chủ động thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng chống thiên tai, khắc phục hạn mặn. Việc vận động người dân tăng cường khả năng trữ nước mưa, nước ngọt ngay từ bây giờ là hướng đi đúng đắn, là giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo có nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất từ đầu mùa khô 2017 và những năm tiếp theo. Ông chia sẻ thêm, người dân có thể xây các bể ngầm với dung tích đủ dùng cho sinh hoạt và sản xuất để tiết kiệm diện tích mặt đất.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN