Phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững

15/01/2020 - 13:31

BDK - Bến Tre là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di sản văn hóa (DSVH) được lưu truyền và gìn giữ. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sự nghiệp văn hóa không ngừng phát triển; trong đó, xác định tầm quan trọng của công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị DSVH. Trước thềm năm mới Canh Tý 2020, phóng viên Báo Ðồng Khởi có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Nguyễn Quang Trị, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xung quanh nội dung này.

Ðờn ca tài tử ngày càng đi vào đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: Nhất Linh

Ðờn ca tài tử ngày càng đi vào đời sống văn hóa cộng đồng. Ảnh: Nhất Linh

 Xin ông giới thiệu đôi nét về DSVH tỉnh nhà?

Chủ tịch Hội DSVH tỉnh Nguyễn Quang Trị: Như chúng ta biết, DSVH là tài sản được nhiều thế hệ tiền nhân sáng tạo, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ hậu sinh. Ðó là các công trình xây dựng, kiến trúc, di tích lịch sử, tác phẩm nghệ thuật… Ðó là tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian… Những DSVH đó luôn có sức sống mãnh liệt, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân ta; là biểu tượng của sự trường tồn; là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng dân tộc.

Với nội hàm và ý nghĩa đó thì trên địa bàn tỉnh có rất nhiều DSVH vật thể và phi vật thể. Từ năm 1990 đến nay, trên cơ sở các tiêu chí quy định quản lý nhà nước, tỉnh ta đã lần lượt xác định, đề nghị và được Trung ương công nhận 18 di tích lịch sử cấp quốc gia; trong đó có 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là Di tích Ðồng Khởi (xã Ðịnh Thủy, huyện Mỏ Cày Nam); Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Ðình Chiểu (xã An Ðức, huyện Ba Tri). UBND tỉnh cũng đã công nhận 51 di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Riêng về lĩnh vực DSVH phi vật thể, ngoài đờn ca tài tử Nam Bộ là DSVH phi vật thể của nhân loại, Trung ương đã công nhận 4 DSVH phi vật thể cấp quốc gia như Hát sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri); Lễ hội Nghinh Ông (xã Bình Thắng, huyện Bình Ðại); nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng; nghề làm bánh phồng Sơn Ðốc (Giồng Trôm).

Theo thời gian, số lượng DSVH đạt tiêu chí cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ còn tiếp tục nâng lên.

Các DSVH đã được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

Các DSVH đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam, con người Bến Tre. Một số DSVH không chỉ được bảo lưu, đáp ứng nhu cầu tâm lý và đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa DSVH về với cộng đồng xã hội, vào nhà trường một cách thiết thực.

Các ban nhạc lễ và nghi lễ phục vụ đình làng, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của danh nhân, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ… được hình thành, phát triển, tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội và chính quyền địa phương.

Phong trào đờn ca tài tử, nhất là những nơi có chi hội DSVH làm nòng cốt, đã phát triển lành mạnh, có định kỳ giao lưu giữa các câu lạc bộ, tạo nếp sinh hoạt văn hóa cho hội viên và giới mộ điệu, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức xã hội và du khách trong, ngoài nước.

Hát sắc bùa Phú Lễ không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển trong lớp trẻ. Hội DSVH tỉnh cũng đã thành lập 1 câu lạc bộ Hát sắc bùa, không chỉ luyện tập thành thục bài bản, mà còn bổ sung, sáng tạo mới, thực hành tốt nghi thức diễn xướng, trình diễn giới thiệu cho các đoàn khách quốc tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa ở khắp nơi và phục vụ công tác ghi hình của các Ðài Truyền hình Trung ương, địa phương để phát sóng giới thiệu khán giả trong và ngoài nước, đây cũng là cách gìn giữ DSVH cho các thế hệ mai sau.

Các di tích văn hóa lịch sử thời gian qua thật sự đã trở thành đối tượng nghiên cứu; trở thành mục tiêu văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, góp phần phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch trên địa bàn tỉnh.

Có ý kiến cho rằng DSVH không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng mà còn đem lại những giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ðặt vấn đề như thế là rất chí lý. Thực tiễn trong thời gian qua DSVH không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú và đa dạng; không chỉ có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, mà còn là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. DSVH thực sự là một bộ phận hữu cơ của đời sống đương đại chứ không chỉ là cái của quá khứ.

Nhiều năm qua, đặc biệt là vài năm trở lại đây, bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng cường hoạt động quảng bá, DSVH ở tỉnh ta (cả vật thể và phi vật thể) đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Số lượng du khách và nguồn thu từ du lịch không ngừng tăng; công ăn việc làm và thu nhập của một bộ phận dân cư cũng được cải thiện đáng kể từ các dịch vụ du lịch.

Ðội Hát sắc bùa Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: A. Nguyệt

Ðội Hát sắc bùa Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn giới thiệu tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: A. Nguyệt

Theo ông, cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH vì sự phát triển bền vững?

Vấn đề phát triển bền vững hiện nay đang nổi lên, là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội ta và trên toàn thế giới. Nó luôn đòi hỏi phải đảm bảo nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng phát triển của thế hệ tương lai; đòi hỏi gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Trên tinh thần đó, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị DSVH chí ít cũng phải đảm bảo thực hiện cho được các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, phải đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về DSVH đi đôi với tăng cường tuyên truyền giáo dục về DSVH và Luật DSVH cho toàn dân; trong đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên với thông điệp: “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ”, do Unesco phát động.

Hai là, duy trì, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa và quản lý DSVH từ cấp tỉnh đến cơ sở. Mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo tồn DSVH sao cho hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế.

Ba là, trong quá trình khai thác DSVH như một tài nguyên du lịch, cần đặc biệt quan tâm mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, quan tâm yếu tố môi trường (bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - xã hội). Cần sử dụng hợp lý nguồn lợi nhuận từ du lịch để bảo vệ DSVH.

Bốn là, cần đẩy mạnh các biện pháp khai thác, huy động nguồn lực xã hội để tham gia bảo tồn, phát huy giá trị DSVH. Khơi gợi tình yêu và niềm tự hào của mọi người khi được sở hữu cùng cộng đồng những giá trị DSVH đã có, để ra sức bảo vệ, giữ gìn yếu tố gốc làm nên giá trị cốt lõi của di sản.

Ngoài Luật DSVH, Nhà nước nên phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, quan tâm tạo khuôn khổ hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách phù hợp, thỏa đáng để nhân dân đóng vai trò chủ thể trong việc bảo vệ, giữ gìn, lưu truyền và phát huy giá trị DSVH.

Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn thực hiện tốt nhiệm vụ ý nghĩa này!

Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh tại một hội nghị chủ đề bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững: Di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Cái gì cũng có thể xây dựng được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra...

Bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng.

Nhiệm vụ của tất cả chúng ta là làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Trước hết là ngành văn hóa, phải làm cho các di sản hồi sinh sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này.

Huỳnh Thi (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN