Đội hát sắc bùa Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn phục vụ tại Lễ hội Dừa. Ảnh: Thanh Liêm
Đờn ca tài tử xứ Dừa
“Tôi đã được nghe nhiều về ĐCTT nhưng tôi thấy không gian này tổ chức khá hay, có trưng bày nhạc cụ để khách tham quan có dịp tìm hiểu thêm, các tài tử mặc trang phục bà ba, khăn rằn rất chân chất, rất hay, không khí rất vui tươi và gần gũi nên tôi dừng lại xem” - anh Minh Khoa ngụ thị xã Cai Lậy, Tiền Giang chia sẻ trong dịp đến tham quan tại LHD.
Đúng như lời anh Khoa nhận định, nghệ thuật ĐCTT thì khá quen thuộc, các hoạt động ĐCTT có mặt ở nhiều tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5-12-2013.
Nhưng hoạt động ĐCTT tại LHD Bến Tre lại làm nên những nét rất riêng, đó không chỉ là những tiếng đờn được vang lên từ nhạc cụ bằng chất liệu dừa không nơi nào có, mà còn là cái “khí chất” hào sảng, hiếu khách, dễ gần, dễ mến của người Bến Tre, của những nghệ nhân, tài tử Bến Tre. Khách hỏi đến đâu, nghệ nhân nhiệt tình giới thiệu đến đó, khách thích giao lưu ca khúc ca nào, tài tử đờn sẵn sàng “lên dây” dạo đờn cho nhịp ấy, khách có hát “chưa ăn đờn”, nghệ nhân vẫn vui tươi khích lệ… Có lẽ vì thế mà nhiều du khách đã không ngần ngại bước vào “trổ tài” giao lưu trong không khí vui tươi và gần gũi.
Âm vang tiếng đàn tài tử hòa quyện với lời ca đong đầy tình cảm dành cho quê hương giữa lòng phố đi bộ LHD càng làm không khí thêm hân hoan, thêm yêu thương dành cho xứ sở. Như lời hát: “Xứ dừa - Ba dải cù lao/ Có tên gọi Bến Tre anh hùng/ Người ơi - mỗi lúc đi xa/ Nghe sâu nặng thiết tha ân tình” (bài Ngũ điềm bài tạ).
Nói thêm về bộ nhạc cụ trưng bày, nghệ nhân Ba Bá (Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) cho biết, đợt trưng lần này có hơn 30 loại nhạc cụ dân tộc được chế tác từ chất liệu dừa là cây dừa, gáo dừa, vỏ dừa và mo nang dừa đã “biến hóa” thành các loại nhạc cụ: đờn cò, kìm, gáo, sến, tranh, guitar... Bộ nhạc cụ nêu trên được trưng bày đầu tiên tại Festival Dừa tỉnh Bến Tre năm 2012, tiếp tục được nghệ nhân bổ sung thêm nhiều nhạc cụ được làm mới và trưng bày vào LHD 2015. Và năm 2019 là lần thứ ba bộ nhạc cụ từ dừa được trưng bày giới thiệu tại LHD tỉnh nhà và được làm mới thêm.
“Ở lễ hội hai lần trước, bộ nhạc cụ chỉ được chế tác từ cây dừa và gáo dừa, trong lần lễ hội này, bộ nhạc cụ đã được bổ sung thêm nhạc cụ từ vỏ dừa và mo nang dừa. Nhiều du khách đã thích thú khi tham quan bộ nhạc cụ này vì có nhiều điểm lạ hơn các loại nhạc cụ khác” - nghệ nhân Ba Bá chia sẻ.
Du khách đến giao lưu đờn ca tài tử tại Lễ hội dừa Bến Tre năm 2019. Ảnh: Ánh Nguyệt
Nghe hát sắc bùa Phú Lễ
Bên cạnh hoạt động trưng bày nhạc cụ, giao lưu ĐCTT, Trung tâm Văn hóa tỉnh còn tổ chức đội hát sắc bùa (HSB) Phú Lễ hoạt động tại không gian trình diễn và di chuyển quanh khu vực Phố đi bộ để phục vụ, giới thiệu đến đông đảo du khách dịp tham quan LHD. HSB Phú Lễ - xã Phú Lễ, huyện Ba Tri được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 23-1-2017. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này không phổ biến (do bị mai một) nên đối với rất nhiều du khách thì khá mới mẻ.
Theo diễn viên Thảo Ngân - thành viên Đội HSB Trung tâm Văn hóa tỉnh, đây là lần đầu tiên HSB Phú Lễ hoạt động giới thiệu tại LHD, đội đã tổ chức nhiều cuộc trình diễn trong những ngày diễn ra lễ hội, phục vụ đông đảo du khách. Qua đây, nhiều du khách tỉnh ngoài biết đến HSB Phú Lễ.
Khác với tài tử, HSB hát theo đội và nhạc cụ của đội gồm: một đờn cò, một trống cơm và sanh tiền, sanh cái được chia đều cho các nghệ nhân còn lại. Lời HSB là những bài thơ, nhiều bài bản mang tính vui chơi giải trí, phản ánh mọi khía cạnh cuộc sống tình cảm của con người. Hình ảnh đội HSB Phú Lễ với các “nghệ nhân” trẻ (là các diễn viên đã được lĩnh hội, truyền dạy từ các bậc cao niên) với phong thái trẻ trung, năng động, đã cho du khách cảm nhận được một sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Nhịp trống, nhịp đờn rộn rã, vui tươi tạo nên sự phấn khích cho người tiếp nhận, hướng con người đến những điều tốt đẹp của cuộc sống. “Chúng tôi là bạn sắc bùa/ Năm cũ bước tới/ Năm mới bước sang/ Nhà cậu mợ giăng giăng coi đà lịch sự/ Con trai hay chữ, con gái giỏi giang/ Cậu mợ hiền lành, mai sau gặp phước…” (trích bài Mở ngõ khai môn).
Từ những hoạt động hết sức gần gũi ấy tại LHD tỉnh lần thứ V năm 2019 đã góp phần hiệu quả trong giới thiệu, quảng bá, lưu giữ và thực hành các loại hình DSVH của dân tộc, của quê hương. LHD kết thúc nhưng câu chuyện về những loại hình DSVH vẫn sẽ còn được tiếp nối.
Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36 về việc lấy ngày 23-11 hàng năm là Ngày DSVH Việt Nam. Qua đó nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc. Hội DSVH tỉnh được thành lập vào tháng 4-2012, đến nay, có 286 hội viên sinh hoạt trong 15 chi hội trực thuộc. |
Ánh Nguyệt