Phát triển nông nghiệp hữu cơ

29/03/2021 - 06:43

BDK - Tổ chức Seed to Table đã tổ chức thực hiện dự án nông nghiệp (NN) hữu cơ (HC) tại tỉnh (Bình Đại, Ba Tri và Mỏ Cày Nam) từ năm 2018 đến nay, do Bộ Ngoại giao Nhật Bản (ODA không hoàn lại), Công ty Mitsui Bussan, Công ty Toyo Tires tài trợ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh là cơ quan đối tác. Hiệu quả bước đầu của các dự án đã đặt nền móng cho phát triển nguồn nhân lực quan trọng đối với mục tiêu phát triển NN HC của tỉnh trong tương lai, cũng như hình thành tư duy khởi nghiệp cho học sinh.

Sản xuất rau hữu cơ tại Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Thạnh Phú.

Sản xuất rau hữu cơ tại Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Thạnh Phú.

Từ nông dân, nông thôn

Kết quả đến năm 2019, Ba Tri có 4 nhóm liên kết, sản lượng 30 tấn, giá bán bình quân từ 16 - 45 ngàn đồng/kg tùy loại rau. Thu nhập của hộ tham gia từ 5 - 12 triệu đồng/tháng. Hầu hết các nhóm có liên kết tiêu thụ với các công ty thu mua tại TP. Hồ Chí Minh và các chợ địa phương. Tại Bình Đại, có 2 nhóm dừa, 1 nhóm dừa và gà, sản lượng 500 - 700 trái/5.000m2, liên kết tiêu thụ, với các doanh nghiệp… Hiện nay, có 3 nhóm được chứng nhận HC, 2 nhóm đang chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang HC.

Ông Lê Quang Hay - Trưởng liên nhóm rau HC Ba Tri cho rằng, hiệu quả của dự án giúp tăng thu nhập cho nông dân và các chị em chế biến thông qua việc sản xuất sản phẩm HC và cải tiến tiếp cận thị trường; nâng cao năng lực sản xuất NN HC theo tiêu chuẩn, kỹ năng liên kết sản xuất theo nhóm, nâng cao trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhóm rau HC Ba Tri triển khai dự án từ tháng 7-2015, bắt đầu tại thị trấn Ba Tri và xã An Hòa Tây. Bước đầu thành lập 4 nhóm, với 18 người tham gia, diện tích 2,5ha. Nhóm liên kết tiêu thụ với Công ty Việt Tâm, cửa hàng rau An Việt và Như Ý, giá thu mua khoảng 10 ngàn đồng/kg. Đến năm 2019, xây dựng nhà sơ chế rau tại xã Mỹ Chánh và mở rộng thêm tại xã Phú Lễ. Đến tháng 3-2021, tổng diện tích rau HC của huyện gần 10 ngàn m2.

“Hiện nhóm đang chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng đáp ứng theo yêu cầu của đối tác kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị AEON, đảm bảo đầu ra tiêu thụ mạnh, giúp cho việc vận động mở rộng nhóm sản xuất thuận lợi hơn. Đồng thời, nhóm phát huy hiệu quả nhà sơ chế rau Mỹ Chánh”, ông Lê Quang Hay phấn khởi bộc bạch.

Được sự giúp đỡ của Tổ chức Seed to Table thông qua dự án NN HC, huyện Bình Đại đã thành lập được 4 nhóm, trong đó 2 nhóm trồng dừa HC, 1 nhóm nuôi gà HC và 1 nhóm chế biến mứt dừa theo hướng HC. Giá bán dừa HC luôn được các công ty mua cao hơn giá dừa thông thường từ 15 - 20 ngàn đồng/chục (12 trái). Hiện tại, nhiều công ty chọn mua sản phẩm dừa HC, giúp đầu ra luôn ổn định, với giá khá cao so với thị trường.

Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Tuyến - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bình Đại: “Sản xuất dừa HC cực nhất là khâu ủ phân. Do các hộ sản xuất manh mún nên ban đầu người dân phải tự mua phân HC trên thị trường về bón cho dừa. Sau thời gian ủ phân nhận thấy chi phí đầu tư giảm mà hiệu quả cao cho cây trồng, người dân mạnh dạn tự sản xuất. Cái khó nữa trong sản xuất HC là người dân phải tự ghi sổ nhật ký các hoạt động sản xuất trên mảnh đất canh tác, trong khi hầu hết nông hộ thì không quen ghi chép”.

Đến giáo dục khởi nghiệp

Trong giáo dục, dự án đã xây dựng được 16 vườn rau HC tại 15 trường học và Làng SOS (hỗ trợ vật tư, giống, phân bò, xét nghiệm mẫu); tổ chức tập huấn NN HC cho 16 đơn vị xây dựng vườn rau HC tại trường, trung bình 40 - 45 học sinh và giáo viên tham gia; hỗ trợ 15 bộ máy đo nitrat; tập huấn 6 lớp về chế biến món ăn địa phương tại 7 trường hợp… Qua đó, các em học sinh hiểu thêm về kỹ thuật NN HC, về hệ sinh thái, nâng cao được kỹ năng làm việc theo nhóm, vận động gia đình trồng rau HC tại gia đình, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất NN HC.

Em Phạm Gia Hân - học sinh lớp 8, Trường THCS Thị trấn Giồng Trôm chia sẻ: Ban đầu tham gia dự án, em và các bạn gặp nhiều khó khăn trong việc làm nhà lưới, hoạt động NN. Sau thời gian được tập huấn và thử nghiệm thực tế tại trường với khu đất rộng 400m2 phía sau trường, chúng em đã nắm bắt quy trình trồng rau HC và bảo vệ môi trường trong trồng trọt. Đặc biệt, chúng em hiểu được lợi ích của NN HC trong việc bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Từ đó, các em còn vận dụng kinh nghiệm kiến thức từ thực tế vào các môn học tại lớp học.

Trường đầu tiên triển khai dự án NN HC là THPT Lương Thế Vinh (Thạnh Phú), từ tháng 9-2017, với diện tích 100m2. Mô hình trồng rau, gồm: bầu, bí, đậu bún, đậu rồng, rau mồng tơi, rau muống, cải, hành lá… Hiệu trưởng trường Đồng Thị Thuận cho biết, mô hình đáp ứng nhiều mục tiêu quan trọng của nhà trường như: góp phần xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp và thân thiện; đáp ứng mục tiêu giáo dục trải nghiệm và giáo dục khởi nghiệp. Đây còn là mô hình sản xuất, kinh doanh nhỏ, từ việc chọn mô hình, huy động vốn đầu tư, tìm nguồn lao động, tổ chức phân công lao động cho đến việc tìm thị trường tiêu thụ, cách tính lợi nhuận… Từ đó, giúp các em bước đầu hình thành được ý tưởng khởi nghiệp và kinh doanh sau này. Đặc biệt, các em quan tâm lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm gắn liền với NN theo hướng HC trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy cho rằng, dự án đã hỗ trợ giáo dục về bảo vệ môi trường, kiến thức trồng rau sạch; biết chế biến món ăn và tư duy về sản xuất, kinh doanh. Không chỉ trong phạm vi trường học, mà hiệu quả của mô hình đã lan tỏa ra cộng đồng. Hướng tới, các trường sẽ duy trì và phát huy tốt hiệu quả mô hình. Đồng thời, sau khi dự án NN HC kết thúc, sở mong rằng tiếp tục được Tổ chức Seed to Table quan tâm hỗ trợ thông qua các dự án mới.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhận định: Bà Ino Mayu có nhiều đóng góp cho ngành NN của tỉnh, đặc biệt là đã phát triển NN HC. Bà đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng về sản xuất HC. Qua dự án này, từ nông dân đến học sinh đều có thể trở thành “chuyên gia” trong sản xuất NN HC, đặt nền móng cho phát triển nguồn nhân lực quan trọng đối với mục tiêu phát triển NN HC của tỉnh trong tương lai.

Tổ chức Seed to Table vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, giáo dục khởi nghiệp và hướng nghiệp thông qua việc xây dựng vườn rau sạch tại trường và nghiên cứu chế biến các món ăn địa phương giai đoạn 2018 - 2021.

Dịp này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười đã tặng bằng khen của UBND tỉnh cho bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table, bà Doi Manico - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh đã có thành tích đóng góp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích