Chiều 10-7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, đánh giá tình hình, chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh thực hiện và giải ngân các dự án ODA.
|
Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Theo tổng hợp, tổng vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam thông qua 19 Hội nghị CG thường niên đã đạt 71,709 tỷ USD. Đặc biệt, mức cam kết đạt rất cao trong những năm gần đây, từ 7,3-8 tỷ USD/năm trong 3 năm 2009-2011.
Tổng vốn ODA ký kết trong các điều ước quốc tế cụ thể giai đoạn 1993-2011 đạt trên 52 tỷ USD, trong đó vốn ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 87%, vốn không hoàn lại chiếm 13%. Số vốn ký kết trị giá 52 tỷ USD này được đánh giá là điều kiện quan trọng để các cơ quan Việt Nam tổ chức thực hiện, quản lý và giải ngân nguồn vốn ODA trong khuôn khổ các chương trình, dự án cụ thể.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2011, tổng vốn ODA giải ngân đạt 33,414 tỷ USD, chiếm trên 64,2% tổng vốn ODA ký kết. Tuy mức giải ngân đã có những cải thiện nhất định với chiều hướng tích cực qua các năm song vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn.
Kiểm điểm theo lĩnh vực, các cơ quan chủ quản hiện còn tồn đọng nhiều vốn ODA chưa giải ngân gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Theo phân tích, hiện có nhiều nguyên nhân và những vướng mắc ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn ODA, từ mặt thể chế, chính sách như còn một số khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đến sự chậm trễ, mất nhiều thời gian chuẩn bị dự án, vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thủ tục mua sắm đấu thầu phức tạp…
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa cũng cho rằng bản thân phía Ngân hàng Thế giới cũng cần có những nỗ lực thay đổi trong quá trình hợp tác, tài trợ các dự án, chương trình ODA tại Việt Nam, đơn cử trong vấn đề thủ tục, quá trình xem xét và trả lời các hồ sơ.
Giải ngân các dự án ODA là nhiệm vụ ưu tiên
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ vai trò, ý nghĩa của nguồn lực hỗ trợ phát triển chính thức ODA, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh kinh tế xã hội đang có nhiều khó khăn hiện tại, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển ổn định, bền vững đất nước.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc cải thiện tốc độ giải ngân cần được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với chiến lược quản lý ODA hiện nay. Đảm bảo tiến độ và giải ngân cần phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên đối với một số Bộ, ngành, địa phương có các dự án đầu tư ODA quy mô lớn.
Trong đó, cần tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp và kế hoạch hành động đề ra trong Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ do Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 106/2012/QĐ-TTg.
Phó Thủ tướng cho biết, xác định tính quan trọng trong thu hút, triển khai ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi, Chính phủ chủ trương nâng cấp Tổ công tác ODA hiện nay lên cấp Ban Chỉ đạo Nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm hoàn thiện tờ trình vấn đề này để trình phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp tục hài hoà hơn nữa chính sách, quy trình và thủ tục liên quan giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, tăng cường năng lực quản lý và sử dụng vốn ODA thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch trung hạn và bền vững.
Với tư cách là cơ quan đầu mối quản lý về ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần tăng cường phối hợp công tác theo dõi, giám sát và đánh giá ở cấp Trung ương thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và dữ liệu vốn ODA và vốn vay ưu đãi, xây dựng các chỉ số thống kê quốc gia về vốn vay ODA ký kết và giải ngân, nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng và áp dụng các chế tài nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng vốn ODA.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nghiêm khắc kiểm điểm một số dự án chậm trễ do những lý do chủ quan, đồng thời yêu cầu rà soát, đánh giá lại danh mục các dự án giải ngân chậm để đưa các dự án có thay đổi tích cực ra khỏi danh mục xấu, đồng thời làm việc với các nhà tài trợ đưa các dự án không có biểu hiện khả quan, sắp đóng cửa vào danh sách “đen”.
Các cơ quan chủ quản, địa phương thực hiện cam kết tiến độ các dự án, giao ban thường xuyên và xem xét trách nhiệm lãnh đạo các Ban quản lý dự án, kể cả lãnh đạo phụ trách ở cơ quan chủ quản khi xảy ra chậm tiến độ. Các cơ quan chủ quản cũng cần hết sức chú trọng năng lực quản lý của đội ngũ triển khai, đánh giá đầy đủ năng lực các Ban quản lý, nếu không đạt có thể đi thuê hoặc không giao dự án, đồng thời chuyển ưu tiên sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt hơn.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý từng vướng mắc của các dự án đang chậm trễ hiện nay trên tinh thần kiên quyết tháo gỡ, giao nhiệm vụ cho từng dự án và Ban quản lý về tiến độ chi tiết.