Nâng cao chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, bài 3:

Quản lý, khai thác bền vững nguồn nước

09/05/2022 - 05:52

BDK - Với vị trí địa lý của tỉnh ở cuối nguồn nước nên bị tù, dòng sông không có khả năng tự làm sạch. Do đó, việc quản lý hiệu quả và khai thác bền vững nguồn nước là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt của người dân.

Quản lý, khai thác tốt công trình cấp nước sạch cho người dân.

Quản lý, khai thác tốt công trình cấp nước sạch cho người dân.

Tăng cường công tác quản lý

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Phạm Hồng Thái cho biết, trong nước tồn tại hàng triệu phân tử nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được như: vi khuẩn, ký sinh trùng, Clo dư, kim loại nặng... Việc thấy nước trong, không màu, không mùi không đồng nghĩa với nước sạch mà phải qua các xét nghiệm chuyên sâu theo tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế. Chất lượng nước phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó, có yếu tố quản lý nhà nước, quản lý chất lượng của cơ sở cấp nước, yếu tố kỹ thuật và công nghệ, hệ thống xử lý, phân phối. Bên cạnh đó, còn có yếu tố bên ngoài như: nước nguồn, thiên tai...

Hiện nay, mặc dù có quy định về kiểm tra (KT), giám sát (GS) định kỳ chất lượng nước sinh hoạt nhưng một số địa phương còn bỏ ngỏ vấn đề này. Tại Bình Đại, có 6 nhà máy nước (NMN) sạch, với tổng công suất 1.285m3/giờ, phục vụ cho gần 80% hộ dân trên địa bàn. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng nước chưa thật sự chuyên sâu. Huyện chỉ thành lập đoàn KT, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn.

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn GS Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân thừa nhận: Từ khi huyện giải thể phòng y tế, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế tại huyện bị hạn chế. Trong đó, có việc quản lý GS chất lượng nước. 2 năm gần đây, huyện không KT, xử lý bất kỳ đơn vị cung cấp nào liên quan chất lượng nước sinh hoạt. Một số trường hợp người dân phản ánh tình trạng nước máy bị đục, UBND huyện trực tiếp làm việc với các NMN để chấn chỉnh.

Thực tế, công tác KT, GS của cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu thực hiện theo dõi, GS độ mặn đối với nguồn nước sau xử lý cung cấp cho người dân của các NMN. Cụ thể, trong năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành KT hoạt động của NMN (Thành Thới A, Thạnh Phú) và 2 công trình cống (cống Bà Héc, cống Cái Sơn thuộc xã Phú Túc, huyện Châu Thành). Nội dung KT là công tác xây dựng các kế hoạch, phương án về cấp nước, vận hành công trình để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021-2022; độ mặn cấp nước tại các NMN có đáp ứng tiêu chuẩn về nước sạch nông thôn, các công trình cống đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt trong khu vực hay không.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Văn Thắm cũng nhìn nhận: Công tác KT, GS là hạn chế và trách nhiệm của ngành. Quản lý nhà nước nhưng chưa sâu nội dung chất lượng đầu ra của nước sinh hoạt. Hàng năm, Chi cục Thủy lợi có xây dựng kế hoạch KT theo phân cấp quản lý, nếu phát hiện nước đầu ra không đảm bảo thì chỉ là qua cảm quan không thể đình chỉ hoạt động cấp nước của các đơn vị. Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành tỉnh có liên quan để thường xuyên KT đảm bảo tính pháp lý và quy định chuyên môn nhằm thực hiện tốt công tác KT chất lượng nước.

Phó giám đốc CDC tỉnh Phạm Hồng Thái cho rằng, để quản lý hiệu quả nguồn nước, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt của người dân, các đơn vị cần thực hiện tốt việc nội kiểm. Các huyện, thành phố nên thành lập đoàn liên ngành đủ các ngành chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở cũng như phát hiện, khắc phục ngay sai sót liên quan đến chất lượng nước. UBND các huyện phải bố trí kinh phí cho y tế huyện triển khai hoạt động GS chất lượng nước trên địa bàn.

Theo kiến nghị của Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn, ngành chuyên môn và lãnh đạo tỉnh cần làm mạnh hơn để đảm bảo công bằng trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Nếu NMN không vận hành theo đúng cam kết thì đề nghị ngưng hoạt động. Ngành NN&PTNT phải phối hợp với các ngành liên quan tiến hành KT toàn diện tất cả NMN trên địa bàn tỉnh. Qua KT, đánh giá đúng thực trạng các NMN, phần nào còn hạn chế, thiết bị nào hư hỏng phải khắc phục, sửa chữa nâng cấp ngay. Đồng thời, có đề xuất và triển khai giải pháp đảm bảo mạng lưới cấp nước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trong toàn tỉnh. Ngành y tế nghiên cứu và hướng dẫn y tế địa phương thực hiện việc GS, KT định kỳ cho thực chất, bài bản.

Kiểm soát nguồn nước

Căn cứ quy định của Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định KT, GS chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, CDC tỉnh đã soạn thảo ra quy chuẩn địa phương với 38 thông số tham mưu Sở Y tế trình Bộ Khoa học và Công nghệ. Ông Phạm Hồng Thái cho hay: Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến, Sở Y tế sẽ ban hành quy chuẩn nước sạch tại tỉnh. Trong thời gian chờ quy chuẩn nước sạch địa phương, các đơn vị cấp nước phải tuân thủ quy chuẩn quốc gia, với 99 thông số kỹ thuật nước sạch, gồm: 8 thông số bắt buộc nhóm A, các thông số còn lại là nhóm B.

Bên cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước, sự chung tay của cộng đồng có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nước sinh hoạt. Sắp tới, hệ thống thủy lợi của tỉnh hoàn chỉnh, khi mùa mặn xâm nhập, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện đóng cống bảo vệ nguồn nước ngọt. Người thụ hưởng, người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường nước. Bởi đây là cách để mỗi cá nhân bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Nhiên đánh giá: Môi trường nước nguồn có cải thiện được hay không là trách nhiệm quản lý tại địa phương. Cụ thể là từng khu dân cư, từng hộ dân. Nếu từng cá nhân ý thức và chấm dứt tình trạng quăng rác xuống sông, kênh, rạch thì vấn đề chất lượng nước sinh hoạt sẽ cải thiện.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Văn Cuộn đề nghị: Để đảm bảo người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, các cấp, ngành có giải pháp bảo vệ nguồn nước trên cơ sở kết hợp với các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng sử dụng nước sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch và việc giữ gìn nguồn nước. Có như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn mới đảm bảo, góp phần kéo giảm khoảng cách quyền tiếp cận nước sạch giữa nông thôn với thành thị.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24-11-2021. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng thể đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN