Quốc hội thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ

29/03/2016 - 07:32

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định).

Ngày 28-3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Trong phiên thảo luận sáng 28-3, có 26 ý kiến góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại hội trường đối với dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII (2011-2016). Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, nhất là việc ban hành Hiến pháp 2013, thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh. 

Các đại biểu khẳng định, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Nhấn mạnh nhiệm kỳ khóa XIII là nhiệm kỳ đạt được nhiều thành tựu, các đại biểu cũng thảo luận thẳng thắn về những điều còn tồn tại trong hoạt động của Quốc hội; đại biểu cho rằng "Quốc hội còn nặng nợ với cử tri", "Quốc hội phải trách nhiệm, mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của nhân dân"... đồng thời phân tích, đề xuất nhiều giải pháp để Quốc hội khóa tới nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; chất lượng hoạt động giám sát, chất vấn; chất lượng giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến quốc kế, dân sinh... 

Các đại biểu cho rằng những thử thách của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ, đòi hỏi Quốc hội và toàn thể bộ máy Nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với những biến động của tình hình mới. Các đại biểu  hy vọng, cùng với sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tới đây thực sự dân chủ, lựa chọn được đội ngũ tốt nhất, tạo niềm hứng khởi cho nhiệm kỳ mới bắt đầu.

Trong phiên thảo luận buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH tiếp tục tập trung phân tích, mổ xẻ về những bất cập, tồn tại trong hoạt động của Quốc hội khóa XIII, qua đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, ĐBQH, công tác tiếp xúc cử tri; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ ĐBQH chuyên trách, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội; kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan giúp việc của Quốc hội để nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan thuộc Quốc hội... 

Các ĐBQH cũng bày tỏ sự trăn trở về những "món nợ" lớn của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 đối với cử tri cả nước như: Giải quyết bức xúc của cử tri; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo,... đồng thời mong muốn những vấn đề này sẽ được xem xét, nghiên cứu, giải quyết thấu đáo trong nhiệm kỳ tới.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong ngày hôm nay, có 43 ĐBQH đăng ký và phát biểu ý kiến. Các đại biểu thống nhất cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh đầy đủ hoạt động của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, đồng thời cũng phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ tới. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định các ý kiến sẽ được nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc để bổ sung hoàn thiện Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước.

Mở đầu phiên thảo luận chiều 28/3, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) bày tỏ tán thành với các nội dung nêu trong dự thảo báo cáo và các ý kiến phát biểu trước đó, đồng thời đại biểu nhấn mạnh "món nợ" của Quốc hội khóa XIII đối với cử tri cả nước là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới và hiệu quả công tác chống tham nhũng. 

Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu cho rằng, đây là một trong những điểm sáng trong hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Các ĐBQH thông qua hoạt động chất vấn đã nêu cao trách nhiệm của mình trước cử tri khi thẳng thắn đưa ra những bức xúc, băn khoăn của cử tri về những vấn đề kinh tế- xã hội hiện nay để đưa lên diễn đàn Quốc hội, yêu cầu Chính phủ cũng như các bộ, ngành quan tâm giải quyết. ĐBQH ngày càng không ngại chất vấn, không ngại va chạm, thông qua hoạt động chất vấn ĐBQH ngày càng trưởng thành và ngày càng tự tin hơn khi thực hiện trách nhiệm, chức năng của mình được nhân dân giao phó. Mặt khác, các bộ trưởng bây giờ cũng không ngại chất vấn nữa, quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ, các bộ không còn quan hệ căng thẳng giữa người bị chất vấn và người chất vấn nữa. Thậm chí bây giờ có nhiều bộ trưởng mong muốn được trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện Quốc hội, Chính phủ ngày càng gắn kết với nhau trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay của cuộc sống.

Tuy nhiên, trong hoạt động chất vấn vẫn còn một số hạn chế, ví dụ như không ít câu hỏi chất vấn của đại biểu không đúng với nội dung chất vấn mà đơn thuần chỉ là những câu hỏi để nắm thông tin, nắm tình hình. Cũng có những đại biểu hỏi những câu hỏi chưa chính xác lắm khiến cho Bộ trưởng bức xúc… Đại biểu cho rằng đây là thực tiễn và bài học kinh nghiệm cho khóa sau.

Đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn; giải quyết bức xúc, kiến nghị của cử tri; vấn đề kiện toàn cơ quan phục vụ đoàn ĐBQH ở địa phương.


Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị Quốc hội nghiên cứu một số nội dung để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới như: Tạo cơ chế phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức CT-XH; cải tiến phương pháp hoạt động của các đoàn ĐBQH địa phương để ĐBQH gắn bó mật thiết hơn nữa với cử tri; coi trọng sâu sắc chất lượng ĐBQH, tạo điều kiện cho các ĐBQH hoạt động tốt trong khóa XIII tái cử, nâng cao vai trò ĐBQH chuyên trách; nâng cao chất lượng xây dựng luật,...

Theo đại biểu, cần tạo ra một thiết chế quan hệ điều hành trong Quốc hội để có một sự trao đổi và xử lý thường xuyên giữa ĐBQH với ĐBQH; giữa ĐBQH với các đoàn ĐBQH, với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; giữa ĐBQH với các cơ quan của Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ; giữa ĐBQH và các cơ quan Quốc hội với cử tri cả nước. Có như vậy mới tạo ra Quốc hội thực sự cải cách, thực hiện được các chức năng một cách kịp thời, khoa học, đạt hiệu quả cao nhất. Đại biểu cho rằng, điều này chỉ có thể giải quyết được khi tiến hành triển khai xây dựng, áp dụng đề án Quốc hội điện tử. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét xây dựng Đề án Quốc hội điện tử và có kế hoạch triển khai trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, Quốc hội cần có cơ chế khuyến khích các ĐBQH mạnh dạn đề xuất dự án luật; tạo cơ chế khuyến khích các đại biểu đi cơ sở, giám sát cơ sở (đi phải có hiệu quả, không gây phiền hà cho cơ sở...); cải tiến hoạt động tiếp xúc cử tri;... 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) góp ý thêm về vấn đề giám sát của Quốc hội. Theo ông, trong nhiều trường hợp người dân quan tâm đến việc giải quyết những bức xúc cụ thể, quan tâm tới những phản ánh, kiến nghị cụ thể được Quốc hội, ĐBQH xem xét, giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, các hoạt động giám sát cấp cao của Quốc hội, của các cơ quan thuộc Quốc hội đã có cơ chế rõ ràng, nhưng hoạt động giám sát của cá nhân ĐBQH hiện nay chưa được phát huy (do cơ chế chưa rõ). Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới cần giải quyết tốt cả giám sát vấn đề cụ thể và giám sát của ĐBQH.

Tiếp theo các đại biểu: Trần Đình Long (Đắk Nông), Đào Tấn Lộc(Phú Yên), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Trần Hoàng Ngân (TPHCM),Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định),Dương Trung Quốc (Đồng Nai)... phân tích, đóng góp các kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa tới. Các đại biểu cho rằng, cần có sự thay đổi, kiện toàn về bộ máy tổ chức, nhân sự, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để các cơ quan chuyên trách của Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động Quốc hội; nghiên cứu giải pháp để nâng cao chất lượng tranh luận trên diễn đàn Quốc hội; giải pháp giúp cử tri giám sát được hành vi bày tỏ chính kiến của từng ĐBQH trước mỗi vấn đề cụ thể; đồng thời cần đổi mới cơ chế tuyển chọn ứng viên để bầu ĐBQH, vì với cơ cấu hiện nay và hạn chế về tuổi... "quá khó" cho địa phương để tìm ra người tốt nhất giới thiệu ứng cử ĐBQH; nghiên cứu "giảm tải" cho ĐBQH chuyên trách để tăng cường thời gian nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri...

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN