Sản xuất trái cây rải vụ, đón giá cao

22/06/2012 - 07:49

Những năm gần đây, hầu hết các loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh (nhãn, sầu riêng, bưởi, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm…) đều có thể được nhà nông xử lý kỹ thuật cho trái nghịch vụ, rải vụ. Đây là cách tốt nhất để nhà vườn tránh điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”.

Vườn chôm chôm đang trong giai đoạn xử lý kỹ thuật để cây cho trái vào khoảng tháng 2 năm sau. Ảnh: C.Tr

 

Cây chôm chôm và sầu riêng xã Tân Phú (Châu Thành) là một điển hình. Về Tân Phú vào mùa chôm chôm năm nay, du khách sẽ thấy không phải cây nào, khu vườn nào cũng có trái chín đỏ, trĩu cành như mọi năm. Với diện tích trồng chôm chôm, sầu riêng được nhà vườn xử lý kỹ thuật cho trái nghịch vụ, rải vụ (50 - 80% diện tích), nên thị trường luôn có trái cây  phục vụ nhu cầu tiêu dùng quanh năm.

 

Áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ không khó

Theo các nhà vườn đã nhiều năm áp dụng kỹ thuật này hiệu quả, muốn xử lý để cây chôm chôm cho trái rải vụ phải qua 3 bước cơ bản: phủ bạt, bơm nước và mở bạt. Trong đó, bước quan trọng nhất là phủ bạt. Theo đó, khi đọt chôm chôm ra cơi thứ 3, cơi đủ độ khỏe sẽ tiến hành phủ bạt kín xuống đáy mương, không để nước rút vào liếp chôm chôm. Đáy mương phải được đào đủ độ sâu. Khi bông chôm chôm đã ra nhiều (khoảng 50%) có thể mở bạt và nhấp nước (bơm nước) vào mương ngập từ 2 đến 3 giờ. Việc nhấp nước vào mương có thể làm lại lần thứ hai để bông ra nhiều. Ông Nguyễn Văn Huệ (ấp Tân Qui) cho biết, với cách làm này, năng suất trái cao không kém so với mùa thuận và luôn bán được giá cao. Bình quân hàng năm, vườn chôm chôm của ông Huệ có năng suất 3 tấn/1.000m2, giá từ 15.000 đến 25.000 đồng/kg.

Thời điểm này, vườn chôm chôm của ông Ba Rạng cũng đang chờ xử lý để cây cho trái vào tháng 2, tháng 3 năm sau. Đã nhiều năm, vườn chôm chôm của ông cho trái vào khoảng thời gian này để đón giá cao. Ông cho biết thêm, các vườn có xử lý rải vụ phải xây bờ bao kín, mương sâu, máy bơm nước đủ mạnh để kịp bơm nước ra ngoài khi trời mưa.

Anh Ba Sao (ấp Phú Luông) là một nông dân trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm trong xử lý cây sầu riêng ra trái vào thời điểm đầu vụ để bán được giá cao. Lúc chính vụ, 2.800m2 sầu riêng Ri 6 (8 năm tuổi) của anh Ba Sao đã thu hoạch xong trước đó 1 tháng và đang được chăm sóc để cây phục hồi. Việc áp dụng đúng kỹ thuật và đón đúng thời giá nên với diện tích trên, anh thu hoạch được 7 tấn trái, giá 25.000 đồng/kg. Trừ đi chi phí phân thuốc, công lao động, anh còn lãi 150 triệu đồng. Việc làm giàu từ 2.800m2 đất không phải ai, ở đâu cũng có thể làm được. Nhờ chọn đúng loại cây thích hợp với vùng đất, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và biết chọn thời điểm để xử lý cây ra trái, hộ anh Ba Sao đã vươn lên làm giàu, là tấm gương điển hình sản xuất giỏi cho nhiều nhà vườn trên địa bàn.

 

Hiệu quả sản xuất trái cây nghịch vụ, rải vụ

Kỹ thuật xử lý cây cho trái nghịch vụ, rải vụ trên địa bàn tỉnh ta đã không còn xa lạ với các nhà vườn khoảng 5 năm trở lại đây. Đặc biệt, tại xã Tân Phú, kỹ thuật này đã được áp dụng rộng rãi trong toàn xã. Hiệu quả của nó đã góp phần vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế của người dân. Mức thu nhập bình quân từ 15 triệu đồng/người năm 2010 đã tăng lên 18 triệu đồng năm 2011 và dự kiến 2012 sẽ tăng lên 20 triệu đồng. Hộ giàu càng giàu hơn, có điều kiện chỉnh trang nhà ở, mua thêm nông cụ. Hộ nghèo thì có việc làm, vươn lên thoát nghèo. Hiện, số hộ nghèo của xã đã giảm từ 500 hộ (năm 2011) xuống còn 300 hộ. Ông Võ Hoàng Bá - Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, hàng năm có cả ngàn lao động được giải quyết việc làm tại chỗ, với các công việc hái trái, khuân vác, vận chuyển, phủ bạt, làm bờ, đào mương…

Những kết quả trên đã tạo thuận lợi cho xã về huy động sức dân xây dựng thành công xã văn hóa và hiện nay đang trên đường xây dựng xã nông thôn mới. Tuy nhiên, nỗi lo hiện nay của nông dân Tân Phú là vụ nghịch sẽ trở thành vụ thuận khi đồng loạt nhà vườn cùng sản xuất trái cây vào vụ nghịch, tạo sản lượng lớn trên thị trường, dẫn đến nguồn cung lại vượt cầu? Đây không chỉ là nỗi lo của người dân xã Tân Phú mà đang là trăn trở chung của các địa phương có sản xuất cây ăn trái trong tỉnh, đặc biệt là huyện Châu Thành. Vì thế, trong thời gian tới, việc sản xuất cần có tổ chức, quy hoạch cụ thể. Hay nói cách khác là chuyển từ việc sản xuất để bán đại trà sang hướng sản xuất để bán theo nhu cầu thị trường. Định hướng về vấn đề này, ông Võ Hoàng Bá cho biết thêm, xã cũng đang từng bước hình thành tổ hợp tác kiểu mới, quy hoạch diện tích các loại cây trồng thích hợp, cung cấp sản lượng theo hợp đồng và đón luồng giá.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích