Tác động tích cực của Dự án AMD đến sự phát triển kinh tế - xã hội

08/11/2019 - 08:00

BDK - Huyện Giồng Trôm có 3 xã thụ hưởng Dự án AMD gồm: Hưng Lễ, Lương Phú, Tân Lợi Thạnh. Đây là 3 xã chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nắng hạn, nước mặn xâm nhập sâu, triều cường; kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người trung bình của 3 xã năm 2018 đạt 37 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2017, tăng 18 triệu đồng so với đầu kỳ dự án năm 2014.

Mô hình đan cọng nhựa của phụ nữ xã Hưng Lễ (Giồng Trôm). Ảnh: Tiến Vũ

Mô hình đan cọng nhựa của phụ nữ xã Hưng Lễ (Giồng Trôm). Ảnh: Tiến Vũ

Nhiều mô hình hiệu quả

Năm 2019, 3 xã trên có 562 hộ nghèo và 171 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 9,2%, cao hơn trung bình của huyện 1,22%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,4%, tăng 1,3% so với năm 2018. Nếu so với đầu kỳ của dự án, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Lương Phú đã được công nhận xã NTM vào năm 2018, Tân Lợi Thạnh là một trong 3 xã của huyện đạt 10 tiêu chí, Hưng Lễ là một trong 6 xã của huyện đạt 9 tiêu chí.

Năm 2019, huyện tiếp tục hỗ trợ mô hình sản xuất tôm giống càng xanh từ nguồn khuyến nông để chủ động nguồn con giống trong điều kiện giống tự nhiên ngày càng ít đi. Đồng thời đó là nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn đã thực hiện có hiệu quả bằng nguồn vốn tự có trong dân kết hợp vốn dự án, xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở Hưng Lễ, Thạnh Phú Đông. Đến nay, dự án đã hỗ trợ thực hiện 16 hoạt động nhằm phát triển chuỗi, có 894 người tham gia, hưởng lợi, trong đó có 120 hộ nghèo, nữ tham gia 157 người. Tổng vốn hỗ trợ thực hiện 2 chuỗi là 268 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 230 triệu đồng, còn lại vốn khuyến nông của huyện. Năm 2019 đã xây dựng 9 mô hình trình diễn tạo thu nhập cho người dân vùng dự án và đa dạng sinh kế. Có 26 hộ thụ hưởng, trong đó có 14 hộ nghèo, cận nghèo, 9 nữ làm chủ. Tổng mức đầu tư 800 triệu đồng, trong đó vốn AMD 331 triệu đồng.

Huyện hiện đã có 6 công trình thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm 4 công trình đường giao thông đạt chuẩn NTM, dài 5km, rộng 3m như đường Lương Thuận - Lương Phú; đường liên Ấp 9 - 12 - Hưng Lễ và đường Ấp 7 đi cầu dây văng - Tân Lợi Thạnh. Tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng, trong đó vốn AMD 7,93 tỷ đồng, có 1.924 người dân hưởng lợi trực tiếp, trong đó có 650 hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, nhiều hộ tham gia hưởng lợi từ Tiểu dự án hợp tác công tư phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại xã Hưng Lễ. Từ 250ha với 330 hộ tham gia đầu kỳ nay lên 546ha với 700 hộ tham gia. Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho người trồng dừa, giá bán tăng từ 5 - 10% so với thị trường, lao động có thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Người dân xã Hưng Lễ (Giồng Trôm) chăm sóc vườn dừa hữu cơ. Ảnh: Tiến Vũ

Người dân xã Hưng Lễ (Giồng Trôm) chăm sóc vườn dừa hữu cơ. Ảnh: Tiến Vũ

Góp phần phát triển kinh tế

Chủ tịch UBND huyện, Trưởng nhóm điều phối dự án Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Các mô hình canh tác thích ứng với BĐKH đều được địa phương chấp nhận và người dân tích cực hưởng ứng bỏ vốn đầu tư như mô hình nuôi vịt, cá lóc, trồng chanh. Các công trình đầu tư giúp cho việc phát triển kinh tế địa phương thuận lợi, góp phần cho các xã Tân Lợi Thạnh, Lương Phú, Hưng Lễ có điều kiện lên xã NTM nhanh hơn. Các hoạt động của dự án giúp cho người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định. Tỷ lệ giảm nghèo cuối năm 2018 so với năm 2017 của 3 xã là 3,5%, giảm 216 hộ, giảm 9,33% so với năm 2016.

Đặc biệt, đã có 23.157 người thụ hưởng từ các hoạt động của dự án, trong đó có 9.754 là nữ, chiếm hơn 42%.  Điều đó cho thấy dự án đã thực hiện tốt việc lồng ghép giới, nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ hơn.

“Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép nguồn lực Dự án AMD với các chương trình NTM, giảm nghèo, Đồng khởi khởi nghiệp để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao mức sống người dân trong điều kiện BĐKH. Chuyển giao tất cả các thành quả của dự án tài trợ đầu tư trên địa bàn cho xã quản lý, nhân rộng, đặc biệt là lồng ghép ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia NTM, giảm nghèo, đề án sinh kế để nhân rộng các mô hình thích ứng”, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng nhóm điều phối dự án Nguyễn Văn Bé Sáu nhấn mạnh.

Vũ Tiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN