Tái đàn heo trong mùa dịch Covid-19

03/04/2020 - 07:09

BDK - Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã hoàn toàn được kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ở người đã làm ảnh hưởng đến tư thế chuẩn bị tái đàn heo của hộ chăn nuôi. Trong khi đó, số hộ chăn nuôi có dư nợ bị thiệt hại được các ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn gần như không đáng kể.

Nguồn heo giống cạn kiệt sau đợt dịch tả heo châu Phi.

Nguồn heo giống cạn kiệt sau đợt dịch tả heo châu Phi.

Đã kiểm soát dịch tả heo châu phi

Đến ngày 20-3-2020, trên địa bàn tỉnh không phát sinh heo bệnh DTHCP. Bệnh DTHCP lần đầu xuất hiện vào ngày 2-7-2019, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Sau đó, bệnh đã phát sinh và lan rộng ra 250 ấp, khu phố thuộc 84 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố. Tổng số heo tiêu hủy bắt buộc 42.627 con của 1.181 hộ chăn nuôi. UBND các huyện, thành phố cũng đã ban hành quyết định công bố hết dịch bệnh DTHCP cho 84/84 xã, phường, thị trấn có công bố dịch. Trong đó, các xã Quới Sơn, Tam Phước, Thành Triệu, huyện Châu Thành là những xã cuối cùng được công bố hết dịch vào ngày 13-3-2020.

Theo ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh DTHCP hiện tại đã hoàn toàn được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh vẫn có thể tái phát trở lại, do mầm bệnh hiện vẫn còn lưu hành trong môi trường, bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, chăn nuôi chưa áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học, nhất là chăn nuôi nhỏ, nông hộ. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài và nước mặn xâm nhập sâu, thiếu nước ngọt cho chăn nuôi, làm giảm sức đề kháng của đàn heo nên nguy cơ cao phát sinh dịch.

Trước tình hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh; tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh như thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học và khai báo khi phát hiện heo có triệu chứng lâm sàng của bệnh DTHCP.

Khan hiếm con giống

Chăn nuôi heo vẫn là một trong những hoạt động truyền thống trong sản xuất nông nghiệp. Các huyện có tổng đàn heo nhiều là: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành và Giồng Trôm. Hiện tỉnh có 288 trang trại chăn nuôi heo được cấp giấy chứng nhận trang trại và 161 cơ sở chăn nuôi heo có giấy chứng nhận chăn nuôi heo VietGAP.

Đến nay, tỉnh đã tổ chức thẩm định điều kiện tái đàn 14/14 đơn xin thả heo của các cơ sở, chủ yếu là heo con từ các công ty ngoài tỉnh nhập vào, như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Japfa Chi nhánh Đồng Nai, Xí nghiệp chăn nuôi heo Đồng Hiệp. Theo nhận định của ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa mạnh dạn tái đàn do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nguồn nước ngọt phục vụ chăn nuôi và một phần là lo sợ dịch bệnh tái phát.

Trong 14 hộ đăng ký tái đàn, với tổng số gần 5.700 heo con nhưng đến nay, các hộ đăng ký chưa thả đủ số lượng do khan hiếm về con giống. Đến thời điểm hiện tại, 14 hộ đăng ký chỉ mới thả nuôi khoảng 32% trên tổng số heo đăng ký.

Được biết, giá heo con hiện dao động từ 150 - 160 ngàn đồng/kg, đối với heo con 20kg, lai ba máu, tức khoảng 3 - 3,2 triệu đồng/con heo con 20kg; giá heo hơi đang ở mức 7,5 - 7,7 triệu đồng/tạ.

Nguồn vốn để tái đàn

Về nguồn vốn tái đàn, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì còn vướng số nợ cũ do DTHCP làm chết đàn heo, phải trả trong vòng 10 - 15 năm. Do đó, không còn vốn để tái đàn tiếp tục. Ông Hồ Văn Truyền, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam cho hay: “Trang trại của tôi vẫn còn hơn 1.000 con heo, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng với mong muốn hòa vốn chứ chưa tính đến chuyện tái đàn. Tôi nghĩ trong tình hình dịch Covid-19, heo lớn sẽ khó xuất bán. Hiện tôi đã dự trữ thuốc thú y, thức ăn, nước ngọt cho đàn heo”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, tình hình cho vay đối với ngành chăn nuôi heo và thiệt hại do DTHCP, tính đến ngày 10-3-2020, 12 ngân hàng và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã cho vay với tổng số dư nợ 832,14 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn 722,76 tỷ đồng, trung và dài hạn 109,37 tỷ đồng.

Đối tượng vay chủ yếu là cá nhân hộ gia đình (cho vay ngành chăn nuôi heo) với 721,14 tỷ đồng và cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi 111 tỷ đồng. Dư nợ bị thiệt hại được đánh giá 1,96 tỷ đồng. Tổng số nợ đã được hỗ trợ chỉ có 0,6 tỷ đồng (dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ). Số liệu dư nợ được miễn giảm lãi vay, cho vay mới là không có.

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1313 hướng dẫn hỗ trợ tái đàn, tăng đàn heo, bảo đảm an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp bảo đảm nguồn cung thịt heo để sớm giảm giá thịt heo. Trước mắt, giảm giá heo hơi xuống mức 70 ngàn đồng/kg tiến tới giảm xuống mức 60 ngàn đồng/kg để không làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và chỉ số CPI.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN