Đến thăm xã Tân Phong (Thạnh Phú) vào những ngày cuối năm, tôi nhận thấy vùng đất này đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Từ tiêu chí…
Một xã được công nhận đạt chuẩn NTM phải có trên 70% gia đình văn hóa (GĐVH) đạt chuẩn và trên 60% gia đình được công nhận văn hóa 3 năm trở lên. Nghe qua tưởng chừng khá đơn giản, nhưng tiêu chí này đang là một trở ngại không nhỏ đối với các địa phương trên lộ trình xây dựng xã NTM. Từ đó, có thể thấy rằng yếu tố gia đình giữ vai trò quyết định chất lượng văn hóa của từng đơn vị. Nhận thức được tầm quan trọng này, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xã đã xác định việc xây dựng GĐVH là nội dung trọng tâm, cốt lõi.
Thực tế đã chứng minh, phong trào văn hóa của địa phương thời gian qua đi đúng quỹ đạo và đạt hiệu quả cao là nhờ vào tinh thần tự nguyện, tự giác của bà con; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các hạt nhân GĐVH tiêu biểu. Ngoài việc tiên phong thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các hạt nhân này còn là những tuyên truyền viên tích cực vận động cộng đồng cùng chung tay thực hiện. Kết quả là toàn xã có 100% hộ gia đình, khu dân cư đăng ký xây dựng GĐVH và ấp văn hóa.
Đến nay, xã có 2.107/2.176 hộ GĐVH (đạt 99,12%); trong đó có 2.103/2.107 hộ được công nhận GĐVH 3 năm trở lên. Bên cạnh đó, 5/5 ấp đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 4/5 ấp văn hóa đạt chuẩn 5 năm trở lên và 13/14 tuyến đường kiểu mẫu được các gia đình làm hàng rào, trồng cây xanh, hoa kiểng để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
… Đến thực tiễn
Đường đến ấp Phong (đạt chuẩn văn hóa 5 năm liền) được phủ một màu xanh mướt bởi những hàng rào cây xanh dọc hai bên đường chạy dài theo con lộ liên ấp, tạo cho làng quê trù phú, thanh bình này một sức hút kỳ lạ. Và những gia đình mẫu mực với bề dày truyền thống cách mạng, những câu chuyện cảm động xung quanh cuộc hành trình thoát nghèo của mỗi gia đình, sự cống hiến đầy nhiệt tâm của các cán bộ cao niên trong xã… sẽ mãi là ấn tượng đẹp đối với bất kỳ ai khi đặt chân đến làng quê này. Dù đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng chú Phạm Văn Rớt (Bí thư Chi bộ ấp) vẫn đều đặn mỗi ngày với chiếc xe đạp cọc cạch “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, Nhà nước; về tình yêu quê hương, đất nước, lánh xa tệ nạn xã hội và cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa. Là cán bộ cao niên, bản thân chú và gia đình được xem là gương sáng để bà con trong ấp noi theo. Và không chỉ riêng Bí thư chi bộ, mà anh Lâm Văn Dũng - Trưởng ấp, cũng là một điển hình về người cán bộ hết lòng vì dân. Anh Dũng đã đề ra nhiều sáng kiến hay, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống văn hóa của ấp. Hiện tại, ấp có 100% hộ GĐVH, trong đó có hơn 80% hộ GĐVH tiêu biểu; các câu lạc bộ: “5 không, 3 sạch”, “Thiếu nhi”, “Không tham gia vào tệ nạn xã hội”, “Đờn ca tài tử”… đang phát huy hiệu quả tích cực.
Cầu Kênh Phụ Nữ được xây dựng nhờ có sự đóng góp của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Trắng, 74 tuổi, giáo viên nghỉ hưu - người đã vận động các nhà hảo tâm, gia đình ủng hộ tiền xây dựng 3 phòng học mẫu giáo cho ấp. Mới đây, ông còn vận động 70 triệu đồng (và tiền nhân dân đóng góp) xây dựng cầu Kênh Phụ Nữ. Gia đình ông đạt GĐVH tiêu biểu 5 năm liền. Ông có năm người con, trong đó 4 người tốt nghiệp đại học và 1 người tốt nghiệp cao học. Còn hộ bà Nguyễn Thị Bé Bảy thì đi đầu trong phong trào trồng cây xanh. Bà Bé cho biết: Hưởng ứng phong trào trồng cây xanh trước nhà làm hàng rào, tạo vẻ mỹ quan cho xóm ấp, tôi đã xin giống mai trắng ở Cần Thơ đem về trồng. Thấy tôi trồng mai trắng lớn, chòm xóm tới xin chiết nhánh. Tôi cũng đã chỉ cho bà con cách trồng và tỉa cành để cho hàng rào đẹp. Với con cháu trong nhà, tôi luôn khuyên nhủ lánh xa tệ nạn xã hội và hướng đến chuẩn mực “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”…
Cùng với ấp Phong, bà con ấp Phủ cũng đang ra sức giữ vững danh hiệu ấp văn hóa. Ngoài việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cán bộ và nhân dân trong ấp còn chung tay góp sức phát triển kinh tế gia đình, xóa dần khoảng cách giàu, nghèo. Ấp hiện có nhiều mô hình trồng gừng, trồng cacao xen dừa, đưa màu xuống ruộng… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua mỗi vụ thu hoạch, từ các mô hình hiệu quả kể trên, bà con thu lãi không dưới 40 triệu đồng/hộ, nâng tổng thu nhập của một số gia đình trên 100 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã thoát nghèo, có của ăn của để, góp phần nâng cao chất lượng ấp văn hóa.
Bà Huỳnh Thị Cẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết: “Hiện nay, xã đã đạt 7/19 tiêu chí NTM. Muốn huy động được sức dân, công việc đầu tiên là phải làm cho dân hiểu mục tiêu, ý nghĩa và phương pháp xây dựng NTM. Bởi có hiểu, bà con mới có thể đóng góp ý kiến, đóng góp công sức cùng với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí. Vì vậy, xã đã tập trung phát huy dân chủ, tuyên truyền đến tận hộ gia đình và từng người dân về chủ trương lớn này. Để tập hợp được nhân dân, xã đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác tuyên truyền; đặc biệt là phát huy vai trò của hộ GĐVH tiểu biểu, ấp văn hóa để làm lộ trình xây dựng NTM”.