Thạnh Phú cần năng động hơn

11/09/2012 - 15:48
Một công trình đầu tư từ Quỹ đầu tư cấp xã ở xã Mỹ Hưng (Thạnh Phú).

Điểm nhấn của Thạnh Phú trong thực hiện Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) là lần đầu tiên tập hợp được người dân sản xuất lúa giống theo nhóm. Tổ sản xuất lúa giống theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã An Điền (30 hộ) trồng lúa “sạch” trong ao nuôi tôm.

Lúa không có dư lượng thuốc trừ sâu nhưng năng suất đạt 5,5-6 tấn/ha, cao hơn so với lúa ngoài mô hình (năng suất 4 tấn/ha). Còn Tổ lúa giống Quới Điền, sau khi được đầu tư trình diễn năm 2011 với 2.000m2, năm 2012 tổ tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2. Được tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất và xây dựng thương hiệu, Tổ lúa giống Quới Điền đã cung cấp sản phẩm lúa giống phù hợp thổ nhưỡng cho nông dân trong xã và các vùng lân cận.

Việc thành lập nhóm, dạy nghề và sau đó mở rộng sản xuất theo hình thức hợp tác công tư ở Tổ hợp tác bó chổi (xã Mỹ An) đã tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Nghề bó chổi ở Mỹ An đã được công nhận là làng nghề. Theo Ban Quản lý Dự án tỉnh, Tổ hợp tác bó chổi ở Mỹ An đang được đầu tư và mở rộng nhằm kết nối với các hộ gia đình đang làm nghề này, hướng đến thành lập hợp tác xã.

Các xã Dự án (Quới Điền, Hòa Lợi, Mỹ Hưng, Mỹ An, An Điền và Bình Thạnh) nhìn chung đều thực hiện các hoạt động theo chương trình, mục tiêu Dự án. Nguồn vốn của Dự án đến nay đã đầu tư được 36 công trình hạ tầng gồm cầu, đường, rãnh thoát nước, chợ nông thôn. Theo Văn phòng Dự án huyện Thạnh Phú, cùng với hệ thống hạ tầng kinh tế nông thôn từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện đầu tư, các công trình từ Quỹ đầu tư phát triển (CIF) của Dự án DBRP đã tạo nên diện mạo nông thôn mới, mang tính hiệu quả, thiết thực cao. Bên cạnh đó, trên 9 tỷ đồng vốn vay từ nguồn Dự án đã tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ và cơ sở sản xuất, giải quyết thêm việc làm cho nhiều lao động nghèo.

Gần 3 năm, Dự án có nhiều hoạt động tác động tích cực đến mục tiêu giảm nghèo, nhưng nếu so với mặt bằng chung của các huyện, Thạnh Phú vẫn còn chậm và chưa thật sự tạo được bước đột phá. Chỉ nói riêng về hoạt động nhóm hợp tác, các xã Dự án của Thạnh Phú có 35 tổ hợp tác sản xuất được thành lập (tính tới tháng 7-2012). Đây là tín hiệu đáng mừng trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, việc thành lập nhóm lại không đều ở các xã, chỉ tập trung vào xã Quới Điền (23 tổ), còn một số xã như: Mỹ An, Mỹ Hưng, An Điền, mỗi xã chỉ có một nhóm hợp tác. Việc thành lập nhóm sản xuất quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng. Tuy nhiên, chênh lệch này đáng để suy ngẫm.

Mặt khác, với đặc thù thuần nông của huyện ven biển như Thạnh Phú, thời gian cho công việc đồng áng, nuôi trồng thủy sản của người dân không nhiều. Nhưng trong quá trình triển khai Dự án DBRP, dường như Văn phòng Quản lý huyện chưa chú trọng nhiều đến yếu tố tạo điều kiện mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người dân lúc nông nhàn. Trong số 35 nhóm hợp tác, chỉ có 3 nhóm phi nông nghiệp: sản xuất lu (Hòa Lợi), xe nhang (Mỹ Hưng), bó chổi (Mỹ An). Nhưng cả 3 nghề này đều đã có ở đây từ trước khi có Dự án. Trong các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho người dân (sử dụng 10% Quỹ CIF) cũng vậy. Trong số 57 hoạt động nâng cao năng lực trong gần 3 năm qua, chỉ có 3 hoạt động dạy nghề.

Nếu so với Thạnh Phú các huyện khác triển khai Dự án cùng thời điểm như Bình Đại, Châu Thành, thì thấy có sự khác biệt rất rõ. Ở Châu Thành, số nhóm hợp tác nhiều hơn Thạnh Phú gần gấp đôi (75 nhóm), trong đó có 20 nhóm phi nông nghiệp - nhiều ngành nghề mới được triển khai từ khi có Dự án, như: may công nghiệp, may túi tự hoại, đan giỏ cọng nhựa, đan thảm, may thêu… Huyện Bình Đại cũng có nhiều nhóm phi nông nghiệp, với các ngành nghề như may công nghiệp, đan giỏ nhựa, giỏ lục bình, đan ghế…

Trong quản lý Dự án DBRP, nguồn Quỹ CIF được giao cho cấp xã trực tiếp quản lý và quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng (90%) và 10% là đầu tư các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho người dân. Ngoài ra, trong từng hợp phần cụ thể, Văn phòng Dự án huyện, Ban Phát triển xã dựa trên những đề xuất cụ thể của các nhóm hợp tác có kế hoạch, Dự án cụ thể để trình Ban Quản lý Dự án phê duyệt đầu tư. Nếu vẫn với những bước đi như trước nay, Thạnh Phú sẽ khó tạo được những bước đệm vững chắc, khi Dự án kết thúc.

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN