Thầy Đỗ Quang Hạnh và cas mổ tim thứ 600

09/07/2010 - 08:53
Thầy Đỗ Quang Hạnh lập hồ sơ đề nghị miễn giảm 100% chi phí mổ tim cho bệnh nhân Mai Thị Lan. Ảnh: H-A

Thông thường những con số tròn trăm được xem quan trọng khi nó đánh dấu cột mốc trong một lãnh vực hoạt động nào đó. Thế nhưng, đối với thầy Đỗ Quang Hạnh thì những con số bốn trăm, năm trăm rồi sáu trăm cas mổ tim thành công cũng trở nên bình thường. Bởi thầy Hạnh hoạt động từ thiện vì cái tâm, chứ không vì cái tiếng, cái danh. Hạnh phúc lớn nhất của thầy khi được sẻ chia nỗi đau của nhiều số phận.

Rời khỏi ngành sư phạm sau 20 năm gắn bó, thầy Hạnh mưu sinh như người lao động bình thường, nuôi con ăn học. Cái tâm thương người nghèo trở thành cơ duyên đeo đuổi, thúc đẩy thầy đi làm từ thiện. Khi đứa con yên bề gia thất, thầy dành trọn tâm huyết vì người nghèo, đồng hành chia sẻ những mảnh đời bất hạnh.

Mỗi lần giải quyết xong một trường hợp cần giúp đỡ thì thầy xếp hồ sơ, quên ngay tên họ của bệnh nhân đã được cứu giúp, từ chối mọi hình thức “lại quả” đền ơn, tiếp tục lo toan cho những trường hợp khác. Hồ sơ chồng chất trên bàn làm việc, trên kệ sách, trên tủ tạp chí trong phòng riêng của thầy bên đường Nguyễn Huệ thuộc thành phố Bến Tre. Thầy Hạnh chưa bao giờ có thống kê tổng hợp sau bao nhiêu năm đồng hành với những số phận đáng thương, không phân biệt độ tuổi, thành phần xã hội và người lạ hay quen.

Thầy Hạnh hoạt động từ thiện đa lĩnh vực: can thiệp giúp đỡ 600 bệnh nhân nghèo có cơ hội được mổ tim, trên 500 trường hợp phẫu thuật hở môi hàm ếch, mổ bướu, mắt, cột sống và gần 100 trẻ em bại liệt. Thầy còn vận động xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tham gia hội khuyến học, chắp cánh ước mơ cho nhiều HSSV nghèo hiếu học và gieo lòng nhân ái trong cộng đồng, chung tay góp sức vì bữa cơm chay tình thương cho HSSV, cho người nghèo, người tàn tật, người già neo đơn. Thầy Hạnh là người Bến Tre đầu tiên thực hiện chương trình bại liệt, chương trình hở môi hàm ếch cho trẻ em, chương trình mổ tim cho bệnh nhân nghèo và là thành viên sáng lập quỹ bảo trợ thiếu nhi và hội khuyến học.

Hơn 20 năm hoạt động từ thiện. Không là thành viên của tổ chức hội, đoàn thiện nguyện nào, nhưng nhờ có “nhân duyên” với Viện Tim, BV Nhi Đồng I, BV Chợ Rẫy, BV Răng-Hàm-Mặt, Đại học Y-Dược TP Hồ Chí Minh và nhiều thế hệ học sinh của thầy đã thành đạt trên mọi lĩnh vực, nên thầy Hạnh có điều kiện giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh chẳng những ở Bến Tre mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam.

Nụ cười của bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo
(cas mổ tim thứ 600) sau khi được
phẫu thuật tim. Ảnh: H-A

Thống kê tổng hợp hồ sơ phẫu thuật của Viện Tim, BV Nhi Đồng I và BV Chợ Rẫy cung cấp thì trường hợp mổ tim cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo ở Mỹ Thạnh (GT) là cas mổ thành công thứ 600 do thầy Hạnh lập hồ sơ giới thiệu. Cas mổ này có giá 4.500 USD, thầy Hạnh can thiệp được giảm 50% chi phí điều trị và Hội BT BNN&NTT tỉnh Bến Tre hỗ trợ 22 triệu VN đồng. Trong số hồ sơ của thầy còn đang lưu giữ, có nhiều hồ sơ của Hội BT BNN&NTT Bến Tre được Viện Tim, BV Chợ Rẫy… chuyển về nhờ xác minh thẩm định mức miễn giảm chi phí điều trị. Trong đó có trường hợp phẫu thuật tim cho bệnh nhân Nguyễn Thị Han Chin ở Hòa Nghĩa, Nguyễn Thị Thu Huệ ở Khánh Thạnh Tân, Bùi Minh Thuận ở Tân Thanh Tây, Hồ Ngọc Thương ở Quới Điền, Đào Thị Bé Quyên ở Tiên Thủy, Võ Thúy Vy ở Phú Hưng, Nguyễn Vương Thanh ở Tam Phước, Võ Phi Long ở Đa Phước Hội…

Nhiều người cho rằng, việc thầy Hạnh hình thành “Gia đình An Lạc” và điều hành, duy trì hoạt động suốt 10 tháng qua của nhà ăn chay, cung cấp 450 suất ăn miễn phí hàng ngày cho người già, tàn tật, HSSV, người lao động vãng lai và bệnh nhân nghèo ở BV Nguyễn Đình Chiểu là một kỳ công nhờ huy động những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng xã hội, không phụ thuộc đại gia nào trong nước hoặc tổ chức thiện nguyện của nước ngoài. Riêng việc giúp đỡ 600 số phận khốn khó chiến thắng tử thần nhờ 600 cas phẫu thuật tim thành công với chi phí điều trị rất cao (từ 1.950 đến 4.500 USD mỗi cas) thì quả là một kỳ tích.

Hầu hết các trường hợp được thầy Hạnh can thiệp mổ tim, được miễn giảm từ 50% đến 100% chi phí tùy theo hoàn cảnh cuộc sống gia đình bệnh nhân. Kết quả đó đã góp phần làm giàu thêm thành tích của nhiều hội, đoàn thiện nguyện. Riêng thầy thì không báo công với ai, vô tư vui sống, chia sẻ nỗi đau trong sự nghèo khó và niềm hạnh phúc sau phẫu thuật của từng bệnh nhân.

Thấu hiểu cái tâm nặng lòng với bệnh nhân nghèo, những thiện nguyện viên của “Gia đình An Lạc” gồng gánh công việc ở nhà ăn chay để thầy Hạnh rảnh thời gian có mặt trên từng cây số, đến với Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh và khắp các huyện ở Bến Tre để xác minh, lập hồ sơ từng trường hợp trước khi bệnh nhân nhập viện được phẫu thuật tim.

Cuối tháng 4-2010, trên đường đến Thuận Điền lập hồ sơ bệnh tim cho Trần Thị Hồng Em, thầy Hạnh ghé thăm cas mổ tim thứ 600 (Nguyễn Thị Thảo ở Mỹ Thạnh). Sau đó, kịp thời đến Tân Hội lo cho một bệnh nhân nghèo từ trần chưa có áo quan và đến Thành Thới B xác minh, lập hồ sơ gởi BV Chợ Rẫy để bệnh nhân tim Mai Thị Lan nhập viện vào ngày 5-5-2010. Cas mổ tim thứ 601 này với giá 70 triệu VN đồng, thầy Hạnh và BV Chợ Rẫy cùng vận động miễn giảm chi phí điều trị 100% cho bệnh nhân. Thầy còn tặng Mai Thị Lan một triệu đồng làm lộ phí và bồi dưỡng trước khi được mổ tim. Số tiền ấy do một học trò gởi cho thầy, được thầy chuyển tiếp đến bệnh nhân.

Thầy Hạnh tuy ở tuổi “thất thập”, nhưng vẫn đi làm từ thiện không mệt mỏi. Nhiều học trò mạo muội hỏi thầy dựa vào cái gì mà can thiệp thành công trên nhiều lĩnh vực từ thiện trong khi thầy là người 5 không: không thu nhập, không chức, không quyền, không tiền, không thế lực!?. Thầy cười tươi, giải mã gãy gọn cho mọi thắc mắc “Thầy dựa vào cái tâm và được sự ủng hộ bởi nhân duyên!”. Còn cụ Dương Từ Thức 90 tuổi – cựu vô địch quần vợt Đông Nam Á có nhận xét: “Làm được những điều cao quý như em Hạnh mà chỉ có cái tâm thì chưa đủ, cần phải có thêm cái tài và có nhân cách đủ thuyết phục, huy động những tấm lòng nhân ái vì việc thiện”.

Có người thương cảm cái nghèo của thầy mà âm thầm nạp card, đổ xăng mỗi khi thầy “cháy túi”. Thỉnh thoảng có học trò cho thầy năm, ba chục ngàn xài vặt, thầy mang về nhập quỹ nhà ăn, vì ở đó HSSV nghèo đang cần no bụng để tiếp tục hành trình đi tìm con chữ. Nhiều người khuyên thầy dành ít thời gian để vui sống tuổi già. Ngược lại, thầy đang ấp ủ dự án thành lập “Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo” để có thể hỗ trợ một phần đối với bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt kịp thời nhập viện trước khi được bệnh viện xem xét miễn giảm chi phí điều trị. Thầy còn mơ ước thành lập “Cô nhi viện” ở ngoại ô TP Bến Tre để có mái ấm cho trẻ mồ côi, bên cạnh là phòng khám chữa răng từ thiện cho người nghèo... Ước mơ có nhiều và cái nào cũng lớn, nhưng thầy không từ bỏ ý tưởng đẹp mang tính nhân văn, luôn cố gắng kêu gọi lòng hảo tâm của các nhà tài trợ.

Ban ngày, dành ít thời gian đến kiểm tra, động viên tinh thần các thiện nguyện viên ở nhà ăn chay, rồi thầy đi hết chỗ này chỗ kia đến với bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ. Ban đêm, thầy trao đổi qua e-mail với bộ phận “Y xã hội” của các bệnh viện ở thành phố, cùng nhau giải quyết từng trường hợp cho bệnh nhân nghèo. Thầy luôn giữ một nguyên tắc cho riêng mình: tiền vận động không được qua tay thầy để tài chính từ thiện luôn được minh bạch và tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ.

Dù thầy Hạnh là giáo viên chuyên toán, không biết bắt mạch kê toa, nhưng biết nhìn bệnh án, có nhịp đập trái tim đồng cảm với bệnh nhân nghèo và quyết định cứu giúp đúng lúc để giành lại sự sống từ tay tử thần cho từng số phận. Thầy rất xứng đáng khi 10 năm về trước từng được vinh danh nhận huy chương vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ trẻ em và huy chương vì sự nghiệp khuyến học. Với phong cách cởi mở bình dân và cái tâm của người đi làm từ thiện, thầy Hạnh đã chiếm được cảm tình của mọi người, mọi giới. Thầy tiếp tục âm thầm cứu giúp bệnh nhân nghèo, tìm thấy hạnh phúc trong hành trình chia sẻ nỗi đau của những mảnh đời khốn khó.

Người nghèo gọi ân nhân của mình bằng “THẦY HẠNH” một cách thân tình và kính trọng. Còn các thế hệ học trò gọi thầy Hạnh của mình bằng ngôn ngữ dân gian “ông bụt thời a-còng”.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Tìm hiểu về hba1c và bệnh đái tháo đường