Thầy Nguyễn Văn Huấn tận tâm với nghề

06/11/2015 - 07:01

Thầy Nguyễn Văn Huấn nhận giải Trí thức khoa học.

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo không chỉ là một nhà giáo tâm huyết yêu nghề, một cán bộ quản lý năng động mà còn xây dựng nhiều kế hoạch, có nhiều sáng kiến góp phần đưa sự nghiệp trồng người của tỉnh phát triển.

Thầy giáo của miền quê biển

Thầy Huấn sinh năm 1964, trong một gia đình thuần nông, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri - một vùng đất giàu truyền thống hiếu học nhưng lắm khó khăn. Sống bằng nghề nông nên gia đình thầy luôn ao ước có một người con theo nghề sư phạm và có lẽ vì thế mà ngay từ nhỏ, thầy Huấn đã được định hướng theo nghề dạy học.

Thầy nhớ lại, thời ấy nhà làm nông nên ngoài giờ học, thầy phải phụ công việc nhà, cùng anh chị ra đồng giúp ba mẹ. Có những hôm đi đồng về vội, thầy ăn cho qua vài miếng cơm lót dạ rồi nhanh chóng lội bộ đến trường cho kịp giờ học. Sự khó khăn, vất vả thời ấy đã tạo niềm tin, hun đúc trong thầy nghị lực phấn đấu. Với thầy, học để trở thành thầy giáo không chỉ là con đường để thay đổi cuộc sống mà còn là niềm đam mê, là mơ ước của bản thân. Thầy luôn quyết tâm vượt khó, vươn lên trong học tập. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy rất thích học môn tiếng Pháp. Cũng chính niềm đam mê ấy, sau khi đỗ tốt nghiệp, người con của quê hương Vĩnh Hòa đã chọn thi vào Khoa Ngoại ngữ tiếng Pháp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Đỗ đại học, niềm vui chưa hết, thầy lại bươn chải để lo chi phí học tập. Nhà đông anh em, kinh tế khó khăn, cha mẹ lại phải lo cho nhiều người cùng lúc nên những năm học ở TP. Hồ Chí Minh, thầy phải đi dạy thêm để trang trải chi phí học tập. Vừa lo kinh tế, vừa lo việc học, nhiều áp lực đến với thầy. “Do học phổ thông ở nông thôn nên năm đầu mới nhập học, tôi sợ thua sút bạn bè, nhất là kỹ năng nghe, nói và viết, vì ở thành phố họ có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn mình. Áp lực bị thua sút luôn đè nặng, nhiều khi nỗi lo đến với mình trong cả giấc ngủ, lúc nào cũng nằm mơ thấy bị thua sút, bị trả về địa phương”, thầy Huấn tâm sự.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ thầy nản chí, tự đặt ra mục tiêu rồi quyết tâm phấn đấu. Bằng tinh thần chịu khó, sự nỗ lực hết mình, thầy đạt kết quả học tập như mong đợi. Đến năm thứ ba, thầy tham dự kỳ thi chọn sinh viên giỏi của khoa và trở thành sinh viên giỏi, tốt nghiệp đại học loại giỏi trước ngạc nhiên của bạn bè, thầy cô.

“Muốn là có thể”

Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy về nhận nhiệm sở tại Trường cấp 3 Ba Tri từ năm 1985. Với tinh thần tuổi trẻ, nhiệt huyết của giáo viên muốn được cống hiến, thầy hăng say lao vào công việc. Thầy mày mò, tìm tòi những kiến thức mới truyền đạt lại cho học sinh. Rồi theo thời gian, nghề dạy nghề, không muốn phụ lòng ba mẹ, vậy là thầy sống với nghề cho đến hôm nay.

Không chịu dừng lại, với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, thầy lại khăn gói lên đường sang Pháp học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Suốt những năm học tại Pháp, với thầy, là cả quá trình phấn đấu để tự trang bị kiến thức. Bởi theo thầy, muốn dạy được bộ môn mình học, ngoài am hiểu kiến thức cần phải có vốn sống, kỹ năng sư phạm. Xa quê, xa người thân, gia đình, thầy lại phải tự lo mọi thứ, ăn uống thất thường nên ảnh hưởng sức khỏe, rồi chịu áp lực của việc học. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, cuối cùng thầy đạt kết quả như mong muốn. “Trong ngạn ngữ Pháp có câu “Muốn là có thể” (Vouloir, c’est pouvoir). Tôi rất tâm đắc câu ngạn ngữ này. Nếu chúng ta muốn điều tốt, chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu, chúng ta có quyết tâm chiến thắng mọi trở ngại, thì việc gì ta cũng có thể làm được”, thầy Huấn nói.

Sau khi về nước, thầy được Sở Giáo dục và Đào tạo điều động về công tác tại Phòng Phổ thông của Sở. Với vai trò chuyên viên phụ trách tiếng Anh, tiếng Pháp, thầy lại có thời gian nghiên cứu để tích lũy kinh nghiệm cho mình. Đến năm 2010, thầy được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở. Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, thầy bắt nhịp ngay với công việc, rồi tập trung nghiên cứu nhiều sáng kiến, cải tiến, kế hoạch dạy học có giá trị; có nhiều tham luận trong các hội thảo; các bài báo được đăng trong các kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; bài viết đăng trong các bản tin, tạp chí.

Với những thành tích đóng góp nhiều năm liền, thầy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Huân chương “Cành cọ Hàn lâm”, tước Hiệp sĩ (hạng Ba), do Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng; giấy khen của Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất, thầy nhận giải Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2015 do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng.

“Nghề dạy học là một nghề cao quý vì góp phần vào sự nghiệp “trồng người”. Dân tộc ta từ lâu vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Trong bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào, cũng có hình ảnh những người thầy được nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng. Bởi vậy, mỗi thầy, cô giáo phải luôn luôn là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo”.

(Thầy Nguyễn Văn Huấn)

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN