Thoát nghèo từ vựa ve chai

27/04/2018 - 07:19

BDK - “Ai gặp anh lần đầu cũng đều có cảm tình ngay bởi anh rất hiền và chí thú làm ăn. Từ vựa ve chai mà nuôi lấy cả gia đình, năm 2016, anh xin tự thoát nghèo, trong lúc mẹ và em út vẫn còn mang bệnh” - đó là lời nhận xét của cán bộ làm công tác giảm nghèo xã Nhơn Thạnh Phan Thị Diễm Thúy…

Quốc Em với công việc thu mua ve chai.

Quốc Em với công việc thu mua ve chai.

Thoát nghèo nhanh nhờ chí thú làm ăn

Bùi Văn Quốc Em sinh năm 1991, ấp Nhơn Nghĩa, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre, là một trong tám người thuộc diện hộ nghèo được xã đưa vào Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo năm 2016. Cũng trong năm ấy, với sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban MTTQ thành phố, Quốc Em xin được thoát nghèo nhờ vào vựa ve chai.

Ngay trong lần gặp đầu, tôi cũng khá ấn tượng với Quốc Em, đôi dép mang  đã mòn lẵn, áo sờn vai. Vừa dừng chiếc xe lại, Quốc Em cười tươi: “Anh chờ em thay chiếc xe khác, xe này không phải do xã hỗ trợ”. Năm 2016, Ủy ban MTTQ thành phố đã hỗ trợ 12 triệu đồng để Quốc Em mua chiếc xe honda làm phương tiện thu mua ve chai, nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã được cải thiện. “Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, em còn vay thêm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã 7 triệu đồng để làm vốn, chỉ còn 3 tháng lãi nữa là xong. Thú thật với anh, làm ve chai thì lời lãi cũng không nhiều lắm, mặt bằng này em thuê mà bà chủ cũng thương nên cho thuê giá rẻ. Em làm còn nuôi mẹ và thằng em út vừa nghỉ học, bệnh hoạn thường xuyên. Mẹ hay nhớ, hay quên còn đứa em út bị suy dinh dưỡng, nóng sốt phải nghỉ học” - Quốc Em tâm sự.

Cha bỏ đi từ lúc Quốc Em còn rất nhỏ, gia đình lại đông. Mấy anh em lớn lên lần lượt cũng lập gia đình, đi tứ xứ. Nhà nghèo, Quốc Em làm đủ nghề để nuôi mẹ và em út, cũng có khi làm công nhân quét rác, ai thuê gì làm nấy. Rồi thu mua và vựa ve chai, làm quần quật từ sáng đến tận 11-12 giờ khuya mới nghỉ. “Quốc Em rất chí thú vào công việc, đấy là một người rất xứng đáng được hỗ trợ cho sinh kế, thoát nghèo” - anh Dũng, cán bộ xã ở gần nhà với Quốc Em cho biết thêm. “Trong năm 2016, có 8 hộ tham gia Đề án sinh kế của xã nhưng chỉ có anh Quốc Em là thoát nghèo nhanh nhất. Nếu có nguồn vốn hỗ trợ thêm cho anh ấy nữa thì thật tốt, sẽ thoát nghèo bền vững” - cán bộ giảm nghèo xã Phan Thị Diễm Thúy cho biết.

Theo như Quốc Em tâm sự, nếu có nguồn vốn vay trả chậm thì em xin vay thêm 20 triệu đồng nữa để mở rộng kinh doanh, làm nghề này, có vốn nhiều thì càng có lời nhiều. Đôi khi hút hàng nhưng em không có vốn để thu mua, vay ở bên ngoài lãi cao lắm, chịu không nổi.

Quan tâm hỗ trợ người nghèo

Xã Nhơn Thạnh có 6 ấp với 76 tổ nhân dân tự quản, 2.050 hộ, 7.375 nhân khẩu. Nằm trong Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo của xã, trong năm 2017, toàn xã có 63 hộ nghèo với 184 nhân khẩu. Trong số 63 hộ nghèo của xã thì có 34 hộ nghèo là do phụ nữ làm chủ hộ (trong đó, Ấp 3 là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất 3,25% với 17 hộ). Theo cán bộ giảm nghèo xã Phan Thị Diễm Thúy, hàng năm, địa phương đều có tổ chức gặp gỡ, đối thoại với hộ nghèo và cận nghèo để lắng nghe tâm tư của họ. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được quan tâm đúng mức như cấp sổ bảo hiểm y tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội như trợ giúp pháp lý, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề…

Ngoài ra, bằng sự vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương, trong năm 2017 đã xây dựng và bàn giao 5 căn nhà tình thương, 3 căn nhà tình nghĩa cho hộ gia đình gặp khó khăn về nhà ở là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. “Trong năm 2018 này, có 5 hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo của địa phương, chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp sẽ sớm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã” - Cán bộ giảm nghèo xã Phan Thị Diễm Thúy cho biết thêm.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN