Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh doanh Mekong - Nhật Bản

04/12/2019 - 07:28

BDK - Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong - Nhật Bản năm 2019” vừa diễn ra vào cuối tháng 11-2019 tại TP. Cần Thơ, với sự tham dự của Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức, đối tác Nhật Bản tại Việt Nam cùng với trên 200 doanh nhân Nhật Bản. Sự kiện được xem là một khởi đầu mới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh giữa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Nhật Bản.

Các đại biểu dự tọa đàm tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội

Các đại biểu dự tọa đàm tại diễn đàn. Ảnh: Hòa Hội

Sôi nổi, tốt đẹp

Tổng Lãnh sự Nhật Bản Kawaue Junichi cho hay, đã 46 năm trôi qua kể từ khi Nhật Bản và Việt Nam thiết lập mối quan hệ ngoại giao, hiện nay, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giao lưu giữa Nhật Bản và vùng ĐBSCL diễn ra vô cùng sôi nổi; đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Các tình nguyện viên của JICA cũng đang tích cực hoạt động trong cả lĩnh vực y tế và du lịch. Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam sẽ không thể phát triển tốt đẹp như hiện nay nếu thiếu đi sự đóng góp và cống hiến của rất nhiều con người Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau.

Các lĩnh vực như công nghệ, du lịch, nông nghiệp thông minh... đều là những lĩnh vực có thể phát huy tối đa những thế mạnh của vùng ĐBSCL. Hiện nay, TP. Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng trung tâm logistics bên cạnh sân bay quốc tế Cần Thơ. Với việc trang bị hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, vùng ĐBSCL được dự đoán sẽ dần phát triển trở thành trung tâm của Đông Nam Á. “Với những nỗ lực của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL trong suốt thời gian qua, tôi hy vọng mối quan hệ giữa vùng ĐBSCL và Nhật Bản sẽ ngày càng gắn bó sâu sắc hơn nữa” - Tổng Lãnh sự Nhật Bản Kawaue Junichi chia sẻ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hơn bao giờ hết đây là thời điểm tốt nhất để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo ông Lộc, các tỉnh trong vùng ĐBSCL có môi trường kinh doanh đầu tư tốt, chất lượng, năng lực điều hành của chính quyền cao nhất nước, đây là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư. Bên cạnh tiềm năng về nguồn nguyên liệu nông, thủy sản, nguồn lao động... các tỉnh trong vùng đang đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội đầu tư, kinh doanh mới theo xu hướng phát triển kinh tế thân thiện, thuận hòa với thiên nhiên.

Quan tâm vận chuyển, logistics

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ khẳng định lại rằng Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó có ĐBSCL. Tính đến nay, đã có 4.300 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD. Nhưng riêng tại vùng ĐBSCL, quy mô đầu tư của Nhật Bản còn thấp rất nhiều so với tiềm năng hợp tác của hai bên. Để tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản, ĐBSCL đã không ngừng hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để sẵn sàng chào đón và kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Qua thống kê, hiện nay, Nhật Bản thuộc top 5 nước dẫn đầu với số lượng dự án đầu tư FDI vào ĐBSCL, với 166 dự án (Hàn Quốc 293 dự án, Trung Quốc 252 dự án, Đài Loan 225 dự án, Hong Kong 89 dự án). Những lĩnh vực mà Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào ĐBSCL như: vận tải kho bãi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, cấp nước và xử lý chất thải, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, đặc biệt nhiều nhất là chế biến chế tạo với 136 dự án. Cũng theo ông Phương Lam, hiện nay, các lĩnh vực hấp dẫn mà doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư tại ĐBSCL gồm: vận chuyển, logistics, xây dựng, du lịch lữ hành, y tế giáo dục, IT...

“Tôi đã đi đến nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và nhận thấy nơi đây có rất nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng nông sản, cây trái ở ĐBSCL rất ngon. Nhưng theo tôi, một trong những vấn đề cần quan tâm giải quyết hiện nay đối với vùng này là vấn đề vận chuyển, logistics cần phải được khơi thông nhằm mang những món ngon, hàng hóa của vùng giới thiệu, buôn bán ra bên ngoài”, ông Hirai Shinji - Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh nói.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN