Tiếp tục được ưu tiên vốn vay mới

13/06/2012 - 07:43

Liên tục trong thời gian ngắn, hệ thống ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, huy động với mong muốn góp phần kiềm chế lạm phát, phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chủ trương trên đã tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và hoạt động của ngân hàng như thế nào, PV Báo Đồng Khởi có cuộc trò chuyện với ông Phan Phúc Lai - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bến Tre.

* PV: Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc giảm lãi suất cho vay, huy động trong thời gian gần đây?

- Ông Phan Phúc Lai: Trong những tháng đầu năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ theo Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 13 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực triển khai các giải pháp tiền tệ, hoạt động tín dụng ngân hàng theo mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm hoạt động sản xuất. Một trong những giải pháp mà NHNN đề ra là thực hiện giảm lãi suất huy động vốn, qua đó làm cơ sở giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến của tình hình lạm phát để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mục đích của chủ trương giảm lãi suất là nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho vay còn giúp tăng sức mua của thị trường, kích cầu tiêu dùng, từ đó giúp cho sản xuất phát triển. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng còn giúp các DN, hộ dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn, giảm bớt được chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, qua đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị tái tạo và mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

* Có ý kiến cho rằng DN rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Chủ trương của Chính phủ, NHNN là bảo đảm cung cấp đầy đủ vốn cho sản xuất kinh doanh đối với các nhu cầu vay hợp lý của DN, hộ sản xuất. Các ngân hàng thương mại (NHTM) dựa vào tình hình thực tế của các đối tượng này mà thực hiện cơ cấu lại nợ, tiếp tục cho vay các khoản vay mới theo quy định. Và như vậy là các DN nếu muốn vay vốn được từ ngân hàng phải có phương án, dự án sản xuất khả thi và tình hình tài chính DN phải minh bạch, lành mạnh. Vốn ngân hàng về cơ bản đủ sức đáp ứng nhu cầu vay của các DN trên địa bàn. Theo báo cáo của các Chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2012, toàn ngành chỉ từ chối cho vay 162 hồ sơ (trong đó chỉ có 17 hồ sơ của DN) trong tổng số 47.294 hồ sơ nhận.

 

* Giải pháp thực hiện của NHNN - Chi nhánh Bến Tre đối với chủ trương trên?

- Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra, tăng trưởng đi đôi với phục vụ phát triển kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời, bảo đảm cho hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, đúng định hướng chính sách của ngành, tuân thủ các quy định của pháp luật. Về phía NHNN - Chi nhánh Bến Tre tập trung chỉ đạo, giám sát các đơn vị trong ngành thực hiện lãi suất cho vay đối với các nhóm đối tượng được nêu trong Thông tư số 14; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc thực hiện quy định về trần lãi suất huy động, niêm yết lãi suất cho vay và thực hiện cho vay đối với 4 nhóm đối tượng đã nêu trong Thông tư số 14; làm đầu mối theo dõi và báo cáo kịp thời với NHNN, với tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương trên để được giải quyết kịp thời. Đối với các NHTM, tiếp tục ưu tiên vốn để cho vay mới các DN đang hoạt động ổn định và phát triển tốt (nhất là đối với các đối tượng: nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu; DN công nghiệp hỗ trợ). Các DN đang gặp khó khăn tạm thời nhưng có phương án sản xuất khả thi cần vốn để khôi phục và phát triển sản xuất sẽ được ngân hàng xem xét giải quyết, như: tiếp tục cho vay bổ sung, cơ cấu lại nợ cũ, giảm lãi suất cho vay... theo quy định hiện hành.

 

* Xin cảm ơn ông!

Thu Huyền (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN