Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp

20/12/2021 - 05:59

BDK - Năm 2021 ngành nông nghiệp (NN) đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó tình hình xâm nhập mặn xảy ra những tháng đầu năm, nên không gây thiệt hại lớn cho cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giá bán một số nông sản giảm mạnh, tiêu thụ chậm, đời sống người dân gặp khó khăn. Giá trị tăng thêm khu vực I ước đạt 12.189,7 tỷ đồng, đạt 101,12% kế hoạch, tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Cung ứng cho thị trường Tết Tân Sửu 2021 khoảng 12,5 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại. Ảnh: Nguyễn Hải

Cung ứng cho thị trường Tết Tân Sửu 2021 khoảng 12,5 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại. Ảnh: Nguyễn Hải

Giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp

Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng lúa, diện tích và sản lượng thu hoạch lúa tăng so với cùng kỳ. Sản xuất rau màu không thuận lợi, quá trình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, thu hoạch chỉ đạt 69,16% kế hoạch. Diện tích trồng cây ăn trái và sản lượng thu hoạch không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh gây hại trên cây ăn trái không đáng kể và đã được kiểm soát. Diện tích và sản lượng dừa tăng nhẹ, giá dừa khô ổn định bình quân 7.000 - 9.000/trái, đảm bảo được đời sống của người trồng dừa. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh hại dừa diễn biến khá phức tạp, toàn tỉnh có 4.682ha nhiễm bọ cánh cứng, tăng 25ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 3.927ha (tỷ lệ hại 13 - 15%), nhiễm trung bình 755ha (tỷ lệ hại 25%). Tỉnh đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp để xử lý, nhất là dập dịch sâu đầu đen. Theo đánh giá ban đầu thì dầu ruồi lính đen tỏ ra có hiệu quả đối với sâu đầu đen từ 5 ngày sau khi phun, loại dầu này làm sâu chán ăn và chết từ từ nhưng không ảnh hưởng đến động vật thủy sinh như cá, tôm.

Tình hình sản xuất, tiêu thụ cây giống, hoa, kiểng tương đối tốt ở những tháng đầu năm. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cung ứng cho thị trường khoảng 12,5 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại. Quy mô sản xuất cây giống được mở rộng với khoảng 1.650ha, hơn 70.000 hộ sản xuất giống tập trung ở huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc, sản lượng trên 40 triệu cây. Tỉnh đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng trở thành trung tâm sản xuất mang tầm quốc gia.

 Chăn nuôi bò, gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi heo có nhiều chuyển biến so với cùng kỳ. Tổng đàn bò ước tăng 6,58%, tổng đàn heo tăng 8,96%; tổng đàn gia cầm giảm nhẹ 0,58%. Đến nay, toàn tỉnh tiêm phòng được 174.343 con trâu, bò, đạt tỷ lệ 97,6% so với diện tiêm, đạt 87% so với tổng đàn, tỉnh đã khẩn trương triển khai các giải pháp phòng trị, không để lây lan.

Nuôi và khai thác thủy sản tương đối ổn định, tổng diện tích nuôi thủy sản tăng 1,91%, tổng sản lượng nuôi tăng 4,62% so với cùng kỳ. Tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000ha, đạt 100% kế hoạch và tăng 22% so với năm 2020, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha. Sản lượng khai thác thủy sản tăng 2,77% so với cùng kỳ, chỉ vượt 0,6% so với kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 3.840 tàu cá đã đăng ký, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 2.117 tàu. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại cảng cá không ổn định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguồn nguyên liệu đầu vào. Tính đến cuối năm 2021, tổng số tàu lên hàng là 1.694 lượt, sản lượng thủy sản qua cảng là 27.075 tấn.

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

Đề án cơ cấu lại ngành NN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm NN và xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được tập trung thực hiện, đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 104 tổ hợp tác (THT), 53 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.

Thu mua, vận chuyển dừa tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Ngọc Thạch

Thu mua, vận chuyển dừa tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Ngọc Thạch

Chuỗi dừa, đã hình thành 47 THT, 27 HTX; xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung, kết quả diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 13.125ha, trong đó đạt chứng nhận là 7.249ha. Chuỗi bưởi da xanh, hình thành 32 THT, 9 HTX thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp (DN) với diện tích khoảng 300ha. Chuỗi con heo, đã có 2 THT và 4 HTX với 138 hộ tham gia, khoảng 10.028 con. Chuỗi con bò, đã có 1 THT và 3 HTX tham gia liên kết với các công ty và HTX với 1.600 con, chiếm 0,6% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Chuỗi tôm biển, đã có 1 THT và 3 HTX tham gia liên kết với các công ty, DN với tổng diện tích 243,28ha.

Ngoài ra, các chuỗi cây chôm chôm, nhãn và hoa kiểng chỉ mới hình thành được các liên kết ngang với các THT, HTX và bắt đầu thực hiện liên kết dọc với các công ty, DN, nhưng diện tích vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự ràng buộc bởi các hợp đồng liên kết.

 Sản xuất NN từng bước chuyển đổi theo quy chuẩn sạch, an toàn, tập trung xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng đến phát triển thương hiệu cho sản phẩm NN tỉnh. Hiện nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, với 16.177ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ (dừa 7.249ha; cây ăn trái 487,55ha; thủy sản 8.440,4ha); 5/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý; triển khai xây dựng 6 nhãn hiệu tập thể, 4 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương, đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh (nhãn 2 mã vùng trồng với diện tích 47,26ha; chôm chôm 13 mã vùng trồng với 130,13ha; xoài 5 mã vùng trồng với 52,58ha; bưởi da xanh 3 mã vùng trồng với 69,60ha); 31 mã cơ sở đóng gói; trong đó có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được tập trung triển khai và đạt kết quả tốt. Trong năm, đã tổ chức 2 lần đánh giá với 24 sản phẩm OCOP. Đến nay tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP với 110 sản phẩm, trong đó có 57 sản phẩm đạt 3 sao, 53 sản phẩm đạt 4 sao (có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của TP. Bến Tre. Ản: Tư liệu

Tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của TP. Bến Tre. Ản: Tư liệu

Xây dựng vùng sản xuất tập trung

Theo Giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, năm 2022, ngành NN xây dựng một số vùng sản xuất tập trung gồm 15.000ha dừa hữu cơ, 340ha cây ăn trái đặc sản, 310ha cây ăn trái khác, 100ha cây giống - hoa kiểng gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm NN chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ DN liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là nông sản, thủy sản. Xây dựng hoàn thành Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách. Xây dựng kế hoạch phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chất lượng, giá trị, an toàn gắn với chế biến, tiêu thụ. Hỗ trợ, tư vấn nông dân điều chỉnh thời vụ, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất mới, sạch, hiệu quả. Vận động và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển ít nhất 500ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng diện tích lên 2.500ha; tăng cường thu hút đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản để nâng cao giá trị gia tăng.

Hỗ trợ DN tăng cường liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là nông sản, thủy sản. Quản lý, phát triển và khai thác hiệu quả diện tích rừng theo quy định, kết hợp phát triển rừng với nuôi thủy sản, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khu vực ven biển.

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, quyết tâm đưa tỉnh nhà vào nhóm trung bình của cả nước về số xã đạt chuẩn NTM. Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh để tổ chức trở lại phong trào Ngày Chủ nhật NTM, đi vào thực chất. Trong năm 2022 xây dựng ít nhất 15 xã đạt chuẩn NTM; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tạo điều kiện phát triển các nghề mới phù hợp với tiềm năng của từng địa phương theo chủ trương “Mỗi xã một sản phẩm”; phấn đấu trong năm 2022 có 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Năm 2021, chương trình xây dựng NTM được tập trung thực hiện nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ cũng như việc huy động nguồn lực cho xây dựng NTM và triển khai các công trình, dự án bị ngưng trệ, đời sống một bộ phận người dân và lao động gặp khó khăn. Phong trào Ngày Chủ nhật NTM đã tạm dừng từ tháng 6-2021 đến nay.

Kết quả, trong năm 2021, tỉnh công nhận thêm 11 xã đạt chuẩn NTM và 14 xã đạt NTM nâng cao. Lũy kế, toàn tỉnh có 62 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó, có 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao), 35 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 45 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; trung bình đạt tiêu chí trên xã là 16,07; huyện Chợ Lách đạt chuẩn huyện NTM, TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành hướng dẫn trình tự lập và phê duyệt Đề án huyện NTM, huyện NTM nâng cao.

Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN