Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

08/09/2024 - 20:56

Bà N.T.T có nhu cầu tư vấn: Hàng xóm của tôi là bà H. trồng cây sát ranh đất của tôi và có lá rụng, cành khô rơi trên mái nhà tôi. Tôi nhiều lần yêu cầu bà H. đốn tỉa cây nhưng bà cứ làm ngơ. Gần đây, cây trồng của bà H. bị ngã đã làm sập một phần mái nhà tôi. Xin hỏi: Đất của tôi mua từ năm 2020, chỉ mới đăng ký, được UBND xã chứng nhận và cất nhà ở tạm, chưa được cấp sổ đỏ. Vậy tôi có được bà H. bồi thường không? Tôi phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 177 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại, như sau: Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản (BĐS) liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

Theo thông tin bà cung cấp, đất và nhà về mặt pháp lý là thuộc quyền sử dụng và sở hữu hợp pháp của bà. Việc bà H. trồng cây sát ranh đất, sát cạnh nhà bà và thực tế cây bị gãy, đổ làm sập một phần mái nhà của bà nên được giải quyết theo quy định của Điều luật nêu trên.

Mặt khác, tại Điều 604 BLDS quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Tại khoản 1 Điều 164 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật”.

Việc bồi thường thiệt hại phải bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Điều 585 BLDS. Cụ thể như: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Căn cứ quy định của pháp luật và từ thực tế xảy ra, trường hợp này, bà H. phải có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, thỏa thuận bồi thường toàn bộ mọi thiệt hại do cây trồng gãy đổ gây ra theo yêu cầu của bà. Nếu bà H. không tự nguyện khắc phục, không tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại thì bà có quyền làm đơn trình báo đến khu phố, đến UBND xã (phường) nơi xảy ra sự việc, để yêu cầu chính quyền cho chặt cây, phá dỡ.

Trường hợp cần thiết để hạn chế thiệt hại cho mình, bà có thể làm đơn khởi kiện tại tòa án (nơi bà H. cư trú) để được xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Kèm theo đơn khởi kiện là các chứng cứ chứng minh thực tế thiệt hại để bảo đảm cho yêu cầu khởi kiện của bà là có căn cứ.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN